Nhan nhản gồ trên mặt đê, lô cốt dưới chân đê
Đầu tháng 4/2024, PV Báo Giao thông đi trên con đường đê biển dài gần chục kilomet qua các xã Hải Chính, Hải Triều, Hải Hòa (huyện Hải Hậu) và ghi nhận, trên mặt đường liên tục xuất hiện các vị trí mặt đường gồ cao khoảng 20-30cm, khiến các xe qua lại rất khó khăn.
Dọc thân đê phía ngoài bờ kè tiếp giáp với mặt biển, có gần trăm chiếc lô cốt bằng gạch không nung, mỗi lô cốt rộng khoảng từ 4-5 m2, có mái che bằng tôn, pro xi măng. Phía bên trong các lô cốt này được lắp đặt những chiếc máy bơm nước chuyên dụng.
Những chiếc máy bơm này được nối vào các ống nhựa cứng có đường kính khoảng 11-14cm; một đầu ống được kéo dài xuống biển, một đầu ống được bắc qua thân đê biển rồi dẫn vào các ao nuôi trồng thủy sản của người dân địa phương.
Clip: Xe ô tô tải vượt qua các gồ do người dân tự ý làm trên mặt đê biển Hải Hậu, Nam Định.
Những ống nhựa cứng này sẽ nằm vắt ngang mặt đê biển, người dân dùng các loại vật liệu như vữa bê tông; đá mạt, đá base vùi lấp ống khiến mặt đê tạo lên những gồ tự phát đầy nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
“Có đoạn, cứ khoảng 3-4m lại xuất hiện một gồ tự chế. Đi xe máy gặp các gồ này thì phải giảm tốc độ, rồi tăng ga từ từ vượt qua. Đi không cẩn thận vào ban đêm rất dễ té ngã”, ông Trung, một người dân địa phương chia sẻ.
Lúng túng hướng xử lý
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Minh Phương, Chủ tịch UBND xã Hải Triều cho biết, xã có tuyến đê biển dài 3,7km, phía trong đê trước đây là cánh đồng muối nhưng đến nay người dân đã chuyển đổi mô hình sản xuất từ muối sang nuôi tôm công nghệ cao.
Hiện có khoảng trên 300 hộ dân xã Hải Triều đang làm nghề nuôi tôm công nghiệp. Do nhu cầu sử dụng nước biển để phục vụ nuôi tôm, người dân đã tự ý lắp đặt ống dẫn nước qua thân đê.
Theo ông Phương, xã có cống và sông dẫn nước vào khu nuôi tôm nhưng không đáp ứng được nhu cầu cho việc nuôi tôm. Bởi sông dẫn và sông tiêu là một, trong quá trình nuôi tôm, chất thải từ thức ăn tôm, hóa chất chảy ra sông qua nhiều năm khiến sông bị ô nhiễm. Do đó, người dân phải lựa chọn giải pháp xây bể ngầm gần biển, lọc nước từ biển vào ao nuôi.
“Chính từ việc này gây mất an toàn đê điều, mất an toàn giao thông cho người dân trong việc lưu thông trên tuyến đường đê biển. Đặc biệt, trong mùa mưa bão xảy ra có việc cần việc ứng cứu di chuyển trên đê sẽ rất khó khăn, bất tiện”, ông Phương thừa nhận.
Ông Phương cho biết, phía xã đã nhiều lần kết hợp với Hạt Quản lý đê điều huyện lập biên bản vi phạm này. Đồng thời, có ý kiến với các cấp có thẩm quyền nhưng hiện chưa có hướng xử lý dứt điểm.
Ông Mai Đức Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Hải Hòa cho biết, việc người dân tự phát đặt ống nước trên thân đê đã diễn ra từ rất lâu, các cơ quan chức năng của huyện, của tỉnh Nam Định cũng đã khảo sát, kiểm tra.
“Xã đã có nhắc nhở, đã lập biên bản vi phạm, kể cả thu dỡ nhưng cứ dỡ xong người dân lại tiếp tục lắp đặt lại. Đến nay, chưa có giải pháp xử lý triệt để tình trạng này vì nhu cầu cần nước sạch nuôi tôm của bà con là rất cần thiết.”, ông Nghĩa nói.
Ông Nguyễn Văn Việt, Hạt trưởng Hạt quản lý đê điều huyện Hải Hậu cũng cho biết, việc người dân tự ý xây dựng các lô cốt trên sườn đê, lắp đặt các ống nước qua ngang thân đê dẫn nước vào nuôi trồng thủy sản gây ảnh hưởng đến hệ thống đê điều thuộc quyền quản lý của đơn vị.
“Hạt Quản lý đê điều huyện Hải Hậu đã phối hợp với chính quyền địa phương các xã lập biên bản, có trường hợp đã xử phạt vi phạm hành chính và buộc khắc phục hiện trạng nhưng không triệt để, sau khi tiếp nhận phản ánh chúng tôi sẽ có buổi làm việc với UBND xã ven biển để có hướng xử lý đối với tình trạng trên”, ông Việt nói.