Là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, huyện Bảo Yên đã đẩy mạnh quy hoạch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao và ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để hình thành những vùng hàng hóa tập trung.
Sau khi UBND tỉnh ban hành danh mục các sản phẩm nông nghiệp chủ lực (theo Nghị quyết 10 ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050), huyện Bảo Yên rà soát các sản phẩm chủ lực và có tiềm năng của địa phương để quy hoạch vùng hàng hóa tập trung. Huyện xác định các sản phẩm chủ lực của địa phương là chè, chuối, quế, dâu tằm, kinh tế đồi rừng và chăn nuôi lợn, gà đồi, vịt bầu…
Để có cơ sở thuyết phục người dân chuyển đổi sản xuất, huyện chỉ đạo các xã rà soát tổng thể diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn. Với diện tích canh tác nông nghiệp kém hiệu quả, các địa phương xây dựng phương án tư vấn cho người dân chuyển đổi sang các cây trồng chủ lực có hiệu quả kinh tế cao theo quy hoạch đã phê duyệt. Từ năm 2022 đến nay, huyện đã chuyển đổi 653 ha đất trồng ngô, sắn, vườn tạp kém hiệu quả sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn như quế, chè, bưởi, chuối…
Song song với đó, huyện đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng công nghệ cao, nông nghiệp an toàn. Huyện đã phối hợp với Viện Nghiên cứu rau, quả, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thực hiện mô hình khảo nghiệm giống chuối chất lượng cao tại xã Xuân Hòa, xã Bảo Hà và giống ổi nữ hoàng tại xã Bảo Hà. Thực hiện khảo nghiệm mô hình sử dụng chế phẩm sinh học EMI cho một số cây trồng chủ lực gồm bưởi, thanh long, chè, quế trên địa bàn các xã: Việt Tiến, Xuân Hòa, Lương Sơn, Minh Tân, Thượng Hà, Tân Dương.
Để nông nghiệp phát triển bền vững thì hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất hàng hóa tập trung phải được quan tâm đầu tư. Huyện đã vận dụng nhiều nguồn lực để cải tạo, nâng cấp hoàn thiện hệ thống giao thông nội đồng, các công trình thủy lợi, trạm bơm và tu sửa, bảo dưỡng công trình hạ tầng thiết yếu khác phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đến nay, 100% xã có đường bê tông hoặc rải nhựa đến trung tâm xã, thôn, tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa; 100% xã, thôn có điện lưới quốc gia. Hệ thống thủy lợi được đầu tư cơ bản với 20 hồ chứa nước, tổng dung tích 1,577 triệu m3, có 492,81 km mương, trong đó có 376,4 km mương được kiên cố hóa phục vụ tưới cả năm cho lúa, hoa màu, nuôi thủy sản.
Nắm xu thế chung của cả nước, huyện tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, tổ chức và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh. Kết quả, 100% hợp tác xã trên địa bàn đã sử dụng hóa đơn điện tử, hơn 30 nông sản được gắn tem truy xuất nguồn gốc và một số sản phẩm được đăng ký mã vạch. Hầu hết các sản phẩm nông sản đặc hữu của huyện được bán trên các sàn thương mại điện tử hoặc qua mạng xã hội.
Thông qua thực hiện các giải pháp phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trên địa huyện đã hình thành và mở rộng diện tích các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với phát triển thương hiệu như vùng trồng chè 564,8 ha tại các xã Xuân Hòa, Lương Sơn, Tân Dương, với sản lượng chè thu hoạch đạt 350 tấn; vùng trồng chuối 256 ha tại các xã Xuân Hòa, Yên Sơn, Kim Sơn, năng suất thu hoạch trung bình đạt 20 tấn/ha; diện tích quế trên địa bàn huyện đạt 24.900 ha.
Toàn huyện có hơn 28.520 ha rừng, chủ yếu là quế, trẩu, bồ đề, với sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 14.000 m3; tổng đàn lợn hơn 35.000 con; hơn 490.000 con gà đồi, 19 trang trại chăn nuôi; tổng đàn vịt bầu hơn 42.000 con. Hiện đã có 8 doanh nghiệp khảo sát chuẩn bị đầu tư, 2 doanh nghiệp hoàn thành nâng cấp nhà máy, có 25 hợp tác xã đang hoạt động ổn định.
Để phát triển các sản phẩm chủ lực theo hướng bền vững, thời gian tới, huyện chú trọng thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp.
Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản; nâng cao nhận thức của người dân, thay đổi tư duy tiểu nông, chuyển sang phương thức sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, hiện đại, bền vững. Tiếp tục tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng lao động nông nghiệp. Nâng cao năng lực và hoạt động của đội ngũ cán bộ chuyên môn, hệ thống khuyến nông, thú y, các dịch vụ các phục vụ sản xuất nông nghiệp ở địa phương trong chuyển giao khoa học và công nghệ cho nông dân.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, tin rằng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Bảo Yên sẽ ngày càng khẳng định thương hiệu, có đầu ra ổn định, chinh phục được khách hàng trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm nông sản, tăng thu nhập cho người sản xuất.