Năm 2021, thôn Mường Kem trở thành thôn kiểu mẫu đầu tiên của xã Nghĩa Đô. Có được kết quả này, bên cạnh nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, là tinh thần đoàn kết, đồng lòng, phát huy nội lực của bà con Nhân dân trong phát triển kinh tế, góp công, góp của, hiến đất xây dựng đường quê, nhà văn hóa, các công trình công cộng. Hiện nay, Mường Kem có 110 hộ, thì chỉ còn 3 hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt 48 triệu đồng/người/năm.
Nghĩa Đô là xã được chọn xây dựng nông thôn mới nâng cao. Theo đó, hiện nay Nghĩa Đô đang có bước chuyển mình mạnh mẽ. Những tuyến đường thôn, xóm được mở rộng, bê tông kiên cố, người dân trồng hoa, cây xanh hai bên tạo cảnh quan. Nhà văn hóa các thôn được xây dựng phục vụ sinh hoạt cộng đồng, nhà ở dân cư được xây dựng, chỉnh trang…
Ông Đỗ Văn Lưu, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: Nghĩa Đô là xã vùng I của huyện Bảo Yên với 11 dân tộc; trong đó, dân tộc Tày chiếm 98%. Trong những năm qua, nguồn lực đầu tư của Nhà nước, trong đó có các chương trình, chính sách dân tộc, đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế – xã hội của địa phương. Nếu như đầu năm 2023, xã đạt 9/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao thì đến nay, xã đã đạt 16/19 tiêu chí.
“Là xã có đông đồng bào DTTS, các chương trình, chính sách dân tộc là nguồn lực vô cùng quan trọng, góp phần nâng cao đời sống cho bà con Nhân dân. Hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn hơn 3%, thu nhập bình quân đạt 51 triệu đồng/người/năm. Việc thực hiện tốt các chương trình, chính sách dân tộc cũng đang góp phần quan trọng trong củng cố khối đại đoàn kết, khơi dậy tinh thần vươn lên của đồng bào các dân tộc trong xã”, ông Lưu nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên cho biết: Những năm qua, huyện đã thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia; các chính sách dân tộc đã mang lại nhiều thay đổi, khởi sắc không chỉ ở Nghĩa Đô mà ở hầu hết vùng nông thôn, vùng núi cao, góp phần thực hiện có hiệu quả 20 mục tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng Đảng…
Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết giá trị trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp gắn với các Chương trình mục tiêu quốc gia, được cụ thể hóa bằng việc triển khai thực hiện các dự án phát triển sản xuất, như: Dự án liên kết sản xuất quế theo chuỗi giá trị theo hướng hữu cơ; Dự án xây dựng nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm quế gắn với phát triển vùng nguyên liệu quế hữu cơ; Dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chuối theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ (chuối tiêu, chuối ngự; Dự án phát triển vùng cây ăn quả nhiệt đới theo chuỗi giá trị…
Cùng với đó, việc bảo tồn gắn với khai thác các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trong huyện để phát triển du lịch, nhờ đó, đã hình thành nhiều mô hình du lịch thu hút du khách như: Du lịch cộng đồng ở xã Nghĩa Đô. Du lịch khám phá và trải nghiệm ở xã Tân Tiến, du lịch sinh thái ở xã Xuân Hòa…
Kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới ở các xã cũng đã đạt 14,19 tiêu chí/xã, tăng 3,88 tiêu chí/xã so với năm 2022; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất canh tác đạt 90 triệu đồng, tăng 43 triệu đồng so với năm 2015…
“Những thành quả trên góp phần đưa năm 2023, thu nhập bình quân người dân khu vực nông thôn đạt 43,32 triệu đồng (tăng 3,13 triệu đồng so với năm 2022), số hộ nghèo toàn huyện còn 1.708 hộ (8,01%), tỷ lệ giảm nghèo bình quân đạt 4%/năm. Trong đó, số hộ nghèo DTTS là 1.497 hộ; số hộ cận nghèo 1.314 hộ (số hộ cận nghèo DTTS là 1.145 hộ…”, ông Dũng thông tin thêm.