(QBĐT) - Những ngày đầu xuân Ất Tỵ 2025, chúng tôi đi dọc theo đôi bờ sông Gianh, “chiêm ngưỡng” vẻ đẹp của những cánh rừng bần chua đang vươn mình sinh trưởng mạnh mẽ, hình thành nên các “bức tường xanh” che chắn, bảo vệ những tuyến đê, ruộng đồng, ao hồ, làng mạc ven sông. Tìm hiểu rõ hơn thì được biết, đây chính là kết quả từ Dự án hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (FMCR) được triển khai thực hiện tại tỉnh Quảng Bình trong những năm gần đây...
Ông Trần Văn Long, một ngư dân khai thác thủy sản dọc đôi bờ sông Gianh, đoạn ngang qua địa bàn xã Quảng Hải (TX. Ba Đồn) phấn khởi: “Kể từ khi rừng bần nơi đây được trồng mở rộng thêm, chim cò và nhiều loài cá tôm ngày càng trở nên dồi dào hơn, thậm chí có những loài thủy sản mà cách đây vài ba năm, chúng tôi chưa hề thấy ở khu vực này. Xã Quảng Hải được bao bọc bởi bốn bề sông nước, nay có rừng bần ngày càng phát triển và mở rộng, sẽ góp phần bảo vệ địa phương hiệu quả hơn trước mỗi mùa lũ lụt, nhờ chắn được sóng to, nước chảy xiết. Cứ đến mùa bần đơm quả, chúng tôi chỉ cần hái mang ra chợ bán cho khách hàng mua về nấu canh chua, cũng đủ tiền đong gạo ăn hàng ngày rồi. Đây chính là tín hiệu vui đối với những người bám sông nước mưu sinh như chúng tôi”.
|
Kể từ năm 2018 đến nay, nhờ sự hỗ trợ của dự án thành phần FMCR tỉnh Quảng Bình và một số đơn vị chức năng ở tỉnh, các địa phương ở dọc sông Gianh thuộc TX. Ba Đồn đã đầu tư bảo vệ, phối hợp trồng mới rừng ngập mặn (chủ yếu là cây bần), như: Phường Quảng Thuận trồng mới 2,73ha; phường Quảng Phong 0,37ha; xã Quảng Lộc 3,02ha; xã Quảng Hải 0,66ha. Đặc biệt, xã Quảng Văn đã thực hiện bảo vệ và trồng mới 10ha rừng ngập mặn.
“Mỗi khi thủy triều rút xuống, trong lớp rễ cây bần đan xen vào nhau luôn “phơi bày” nhiều loài sinh vật phù du, tôm, cá, cua... có giá trị về kinh tế. Đó cũng là nguồn thức ăn dồi dào mà thiên nhiên ban tặng để “gọi” các đàn cò trắng, chim chóc về đây trú ngụ. Trong tương lai, địa phương chúng tôi dự kiến sẽ đưa một số diện tích rừng ngập mặn này vào phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm để thu hút khách du lịch, tạo thêm cơ hội việc làm, gia tăng thu nhập cho người dân”, ông Nguyễn Thành Công, Chủ tịch UBND phường Quảng Thuận cho biết. |
Hiện, tỷ lệ cây sống bình quân tại các xã nói trên cơ bản đạt từ 75-85%. Có thể khẳng định, những cánh rừng ngập mặn xanh mướt chạy bao quanh đôi bờ sông Gianh đã và đang phát huy hiệu quả trong vấn đề bảo vệ đê điều, ruộng đồng, ao hồ, làng mạc, giúp người dân an tâm sinh sống. Rừng ngập mặn dọc theo đôi bờ sông Gianh còn góp phần tạo ra hệ sinh thái đa dạng, không khí trong lành, môi trường sống lý tưởng cho thủy hải sản, chim; có tác dụng hiệu quả trong việc chắn sóng, ngăn mặn, giữ ngọt, chống lại triều cường, sạt lở đất, đê điều ven sông...
Anh Trần Thanh Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Văn (TX. Ba Đồn) cho biết: “Với điều kiện bốn bề đều sông nước, từ nhiều năm qua, chính quyền và người dân xã Quảng Văn rất quan tâm đến việc trồng rừng ngập mặn chống xói lở. Tuy nhiên, do thường xuyên hứng chịu nhiều trận lũ lụt nghiêm trọng, số diện tích rừng ngập mặn của địa phương được hình thành đã bị thiên tai tàn phá không hề nhỏ. Kể từ năm 2021 đến nay, nhờ cấp trên quan tâm đầu tư các dự án trồng rừng ngập mặn tại địa phương, toàn xã Quảng Văn hiện có gần 10ha rừng ngập mặn, chủ lực là giống cây bần chua. Rừng ngập mặn khi được hồi phục đã thu hút rất nhiều loại sinh vật như cáy, còng, tôm, cá, cua, chim chóc đến trú ngụ. Nói chung, rừng ngập mặn đã tạo nên một lá chắn bảo vệ người dân trước các đợt bão lớn, đồng thời, góp phần chống sạt lở bờ sông hiệu quả và tạo ra cảnh quan tuyệt đẹp cho địa phương...”.
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202502/bao-ve-va-phat-trien-rung-ngap-man-doc-song-gianh-2224451/
Bình luận (0)