Bảo vệ “tường thành” tỷ giá, sẵn sàng ứng phó với “cơn gió ngược”
Các đại biểu Quốc hội và chuyên gia cảnh báo, những “cơn gió ngược” có thể thổi tới Việt Nam, đặc biệt là hàng rào thuế quan và diễn biến khó lường của USD. Trong bối cảnh này, giữ được ổn định tỷ giá sẽ là yếu tố tiên quyết để bảo vệ ổn định vĩ mô.
Đặc thù của Việt Nam là vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh phụ thuộc rất lớn vào tín dụng. Ảnh: Đ.T |
Thách thức vẫn còn rất lớn
Đầu tuần này, Quốc hội đã chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng. Một trong những nội dung chất vấn là việc điều hành chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới biến động.
Trao đổi với phóng viên sau phiên chất vấn, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, chính sách tiền tệ thời gian qua được điều hành khá tốt, nhưng thách thức thời gian tới còn rất lớn. Tình hình kinh tế thế giới đang tiềm ẩn nhiều thách thức. Dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa giảm thêm lãi suất, song lại xuất hiện nhiều thách thức mới, như nguy cơ Mỹ thay đổi chính sách thuế, dựng hàng rào thuế quan với hàng nhập khẩu, ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam, chưa kể USD đang tăng mạnh.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần giảm thêm lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, cần ưu tiên cho tỷ giá, nếu giảm sâu lãi suất, sẽ làm tỷ giá vọt tăng, gây bất ổn vĩ mô.
Trước đó, trả lời chất vấn đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) về giải pháp ổn định tỷ giá và giảm thêm lãi suất, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường, trong trường hợp tỷ giá có biến động quá lớn, sẽ kịp thời can thiệp bán ngoại tệ. Với lãi suất, NHNN sẽ cân nhắc bởi nếu giảm lãi suất quá, sẽ tác động làm tăng tỷ giá, ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Theo bà Hồng, Fed giảm lãi suất thoạt nhìn có vẻ làm giảm áp lực đối với tỷ giá. Tuy nhiên, tỷ giá và thị trường ngoại hối trong nước chịu tác động bởi nhiều yếu tố, không chỉ là lãi suất của Fed, mà còn phụ thuộc cung – cầu ngoại tệ thực của nền kinh tế. Nếu xuất khẩu cải thiện, thu hút FDI tăng, thì cung cải thiện, điều hành tỷ giá thuận lợi. Song nếu xuất khẩu khó khăn, không có đầu ra, hoặc khi nhu cầu nhập khẩu tăng, thì tỷ giá sẽ gặp áp lực. Đấy là chưa nói đến yếu tố tâm lý kỳ vọng, đầu cơ, găm giữ.
NHNN vẫn kiên định mục tiêu điều hành là ổn định giá trị của VND. Theo đó, kết hợp giữa chính sách lãi suất và tỷ giá để VND hấp dẫn hơn, khuyến khích người dân chuyển hóa ngoại tệ ra tiền đồng. Vì vậy, dù NHNN phấn đấu giảm lãi suất, nhưng cũng xác định phải hài hòa các mục tiêu, bởi nếu giảm lãi suất nhiều quá sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá và thị trường ngoại hối.
Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới. Độ mở lớn đồng nghĩa việc các dòng thương mại và đầu tư sẽ luân chuyển rất nhanh, rất mạnh, vốn ngắn hạn dễ đảo chiều, gây khó khăn cho điều hành chính sách tiền tệ. Điều này đòi hỏi NHNN phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ứng phó linh hoạt với các diễn biến để kiên định mục tiêu đã đề ra và thực hiện các giải pháp đồng bộ, linh hoạt, đúng liều lượng, đúng thời điểm, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.
“Để có thể nắm chắc cũng như nắm từ sớm, từ xa, NHNN cũng như các bộ, ngành của Chính phủ tăng cường công tác phân tích, dự báo để có thể chủ động. Tuy nhiên, với những diễn biến khó lường, phức tạp của kinh tế thế giới, thậm chí dự báo cũng khó khăn. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) hay các định chế tài chính quốc tế lớn của thế giới cũng thường xuyên điều chỉnh những dự báo”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Thúc tín dụng, nhưng luôn dè chừng lạm phát
Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi với Thống đốc NHNN về vấn đề thúc đẩy tín dụng trong bối cảnh lạm phát đang thấp hơn lạm phát mục tiêu (lạm phát bình quân của 10 tháng là 3,78% và lạm phát cơ bản là 2,76%, trong khi lạm phát mục tiêu là 4-4,5%).
– Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội)
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, đẩy tín dụng ra nền kinh tế không chỉ phụ thuộc vào ý chí của nhà điều hành, mà còn phải phụ thuộc vào khả năng tiếp cận của doanh nghiệp và người dân. Tính đến cuối tháng 10/2025, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,08%, khả năng đến hết năm sẽ tăng 15% như mục tiêu đề ra.
Thực tế, từ nửa cuối năm 2023, trong điều hành kinh tế vĩ mô chung của Chính phủ, mục tiêu là ưu tiên tăng trưởng kinh tế cũng đã được đặt ra. Chính sách tiền tệ đang ưu tiên định hướng này. Tuy vậy, lãnh đạo NHNN khẳng định, không bao giờ chủ quan với lạm phát. “Chúng tôi thường xuyên theo dõi. Trong trường hợp có những áp lực lạm phát hiện hữu, chúng tôi sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Đối với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) về việc làm sao để người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn, người đứng đầu NHNN cho rằng, đặc thù của Việt Nam là vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh phụ thuộc rất lớn vào tín dụng. Hiện chỉ số dư nợ tín dụng trên GDP đã hơn 120%, thuộc nhóm cao nhất thế giới, thường xuyên bị các tổ chức quốc tế như WB, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cảnh báo.
Theo NHNN, hiện nay, có rất nhiều kênh tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, không chỉ mỗi ngân hàng. Riêng với ngân hàng, nếu muốn được vay, thì tổ chức và cá nhân phải đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn, quan trọng nhất là chứng minh khả năng trả nợ.
“Vừa rồi, Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt, làm sao để thúc đẩy các phân khúc khác của thị trường tài chính như thị trường chứng khoán, trái phiếu ngân hàng…, để giải bài toán vốn trung, dài hạn cho doanh nghiệp. Bản chất của hệ thống ngân hàng là cung ứng vốn ngắn hạn. Nếu giải quyết được nhu cầu vốn dài hạn của doanh nghiệp thông qua thị trường chứng khoán, trái phiếu, thì rủi ro với hệ thống tổ chức tín dụng sẽ giảm bớt”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Nguồn: https://baodautu.vn/bao-ve-tuong-thanh-ty-gia-san-sang-ung-pho-voi-con-gio-nguoc-d229829.html
Bình luận (0)