PV: Xin ông cho biết đôi nét về những kết quả nổi bật trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP. Bến Tre trong thời gian qua?
Ông Nguyễn Trúc Lâm:
Trong thời gian qua, TP. Bến Tre đã tập trung huy động các nguồn lực để thực hiện công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn và đạt một số kết quả khả quan. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng được chú trọng theo chiều sâu. Cụ thể, từ bản tin sinh hoạt nội bộ của Ban Tuyên giáo Thành ủy Bến Tre đến cộng tác viên tuyên truyền với hình thức trực tiếp hay qua các nhóm mạng xã hội của các hội, đoàn thể thành phố, hệ thống truyền thanh của thành phố và xã, phường,… góp phần nâng cao ý thức và hành động của cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường.
Ngay từ đầu năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Bến Tre đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/ThU, trong đó có chủ trương “không rác thải, nước thải ô nhiễm môi trường”. Từ đó, UBND Thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả nổi bật như: vận động đạt các chỉ tiêu 75,5% rác thải sinh hoạt và không nguy hại được thu gom, xử lý 90,46 tấn/ngày, trong đó, ở phường đạt 98,1%, ở xã đạt 47,5%; các tuyến đường chính được thu gom đạt 75%; 100% các hộ dân xa trục đường chính được tuyên truyền về việc phân loại, xử lý rác thải; xây dựng 10 trạm trung chuyển rác thải ở các địa phương; có 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh, chăn nuôi thuộc đối tượng lập hồ sơ môi trường mới có phát sinh nước thải phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải.
Để giúp người dân trữ ngọt, ngăn mặn trong sản xuất nông nghiệp cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong mùa khô; TP. Bến Tre đã phối hợp Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre đóng mở các cống ngăn mặn hợp lý. Cạnh đó, để cải thiện chất lượng môi trường sống trên địa bàn thành phố, TP. Bến Tre cũng đã chỉ đạo các xã tập trung thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao; kết quả đến nay có 03 xã được công nhận là Phú Nhuận, Nhơn Thạnh và Bình phú; các xã còn lại đang hoàn thành hồ sơ để được kiểm tra, dự kiến công nhận trong tháng 6/2023.
PV: Là đô thị trung tâm của tỉnh Bến Tre, TP. Bến Tre đã có những mô hình, phong trào tiêu biểu nào hay về bảo vệ môi trường để nâng cao chất lượng sống cho người dân?
Ông Nguyễn Trúc Lâm:
Trong thời gian qua, TP. Bến Tre đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể thành phố và các xã, phường xây dựng và duy trì các mô hình, phong trào về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân địa phương và góp phần xây dựng thành phố xanh – sạch – đẹp, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Điển hình, Hội Phụ nữ thành phố duy trì và nhân rộng mô hình thùng ủ phân compost để giảm lượng rác thải sinh hoạt phát sinh và thu gom, xử lý được các hội viên đồng thuận cao và mang nhiều lợi ích tích cực. Còn mô hình sử dụng túi phân hủy sinh học thay thế rác thải nhựa dùng một lần đã được duy trì hơn 03 năm với hơn 3.000kg/năm và lan rộng đến các chợ lớn, siêu thị, bệnh viện. Riêng mô hình biến rác thành tiền, tận dụng lon, chai nhựa trồng cây xanh hoặc đổi rác thải nhựa lấy cây xanh hàng tháng cũng được duy trì ở các xã, phường.
Bên cạnh đó, Thành phố còn luôn duy trì phong trào Ngày Chủ nhật Nông thôn mới và văn minh đô thị, góp phần xây dựng cảnh quan môi trường với sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân địa phương. Đồng thời, các đoàn thể thành phố cùng với các xã, phường duy trì thực hiện phong trào vớt rác dọc sông Bến Tre, đạp xe đạp trên các tuyến đường chính để tuyên truyền về bảo vệ môi trường…
PV: Vậy đâu là giải pháp để đảm bảo nhiệm vụ bảo vệ môi trường gắn với an sinh xã hội, giúp địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thưa ông?
Ông Nguyễn Trúc Lâm:
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Trung ương và của tỉnh Bến Tre; Thành phố cơ bản thực hiện tốt các chế độ, chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng theo đúng quy định của Nhà nước. Đồng thời, TP. Bến Tre còn kêu gọi và vận động các mạnh thường quân trong và ngoài thành phố đóng góp để thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn thành phố, từ đó góp phần củng cố lòng tin của người dân và ổn định chính trị – xã hội trong thành phố.
Qua đó, có một số lĩnh vực đã đạt được một số kết quả quan trọng, nhất là giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người dân và trợ giúp người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong công tác an sinh – xã hội, để giúp người dân có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, địa phương chú ý đến Đề án sinh kế thoát nghèo bền vững, giúp người dân về vốn, cây con giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi, để người dân có ý thức tự vươn lên thoát nghèo.
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện mỗi dự án, địa phương đều gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Cụ thể, các dự án sinh kế chăn nuôi bò, dê đều phải theo một quy trình xử lý chất thải bằng cách ủ phân hữu cơ bằng men vi sinh cung cấp cho trồng trọt không gây ô nhiễm môi trường. Đối với những hộ dân được giúp vốn mua bán nhỏ lẻ đều phải thực hiện giữ gìn vệ sinh môi trường nơi mua bán và sử dụng túi đựng tự phân hủy, chống rác thải nhựa. Đối với các dịch vụ du lịch sinh thái thì hướng đến tiêu chí xanh, sạch đẹp, thân thiện với môi trường…
Hiện nay, TP. Bến Tre tập trung quy hoạch 30ha đất dành cho khu sản xuất kinh doanh tập trung của các cơ sở sản xuất kinh doanh để vừa đảm bảo quản lý, bảo vệ môi trường hiệu quả và vừa tạo công ăn việc làm thường xuyên, ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân, giúp địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!