SGGP
Thay đổi tập quán canh tác để khôi phục thiên nhiên, đồng thời có thể đảm bảo an ninh lương thực. Đây là những điều nông dân các nước châu Âu đã và đang nỗ lực thực hiện.
Một vườn rau trồng hạt cải dầu thu giữ khí nitơ ở Pháp. Ảnh: INRAE |
Hệ thống thực phẩm hiện tại ở châu Âu có thể có hiệu quả cao, nhưng chưa đủ bền vững khi thói quen thâm canh góp phần làm mất đa dạng sinh học, ô nhiễm đất, không khí và nước…Chẳng hạn như các hoạt động canh tác ở Normandy, phía Bắc nước Pháp, vẫn có hàm lượng thuốc trừ sâu hóa học, thuốc diệt cỏ và phân bón cao.
Để thay đổi, nông dân Pháp Emmanuel Drique đã thực hiện thành công quá trình chuyển đổi từ thâm canh sang nông nghiệp sinh thái. “Theo truyền thống, chúng tôi trồng lúa mì sau hạt lanh, nhưng tôi không làm điều đó, tôi trồng hạt cải dầu. Đây là loại cây sẽ thu giữ nitơ vào mùa thu, từ đó giảm sử dụng nitơ hóa học cho vụ mùa sau”, Emmanuel Drique cho biết. Còn Charles Hervé-Gruyer, một nông dân và là nhà tiên phong về nuôi trồng thủy sản người Pháp có trang trại hữu cơ nhỏ, cho biết, hơn 10 chương trình nghiên cứu khoa học đã được thực hiện tại trang trại này. Nghiên cứu lớn đầu tiên kéo dài 4 năm, cho sản lượng rau trị giá 55 EUR/m2 đất được trồng hoàn toàn bằng tay, gấp 10 lần so với làm vườn hữu cơ với một máy kéo. Độ phì nhiêu của các mảnh đất vốn trước đó sử dụng thâm canh tăng rất nhanh và có thêm diện tích đất để trồng cây, đào ao và chăn nuôi…
Hiện, hơn một nửa diện tích đất ở châu Âu đang trong tình trạng tồi tệ. Đó là lý do tại sao một luật lớn của châu Âu về giám sát đất đã được đề xuất vào mùa hè này. Luật canh tác của châu Âu đang hướng đến các hệ thống thực phẩm bền vững với ưu tiên áp dụng các chính sách nông nghiệp chú trọng vào cân bằng tự nhiên. Bertrand Omon là một nhà nông học và theo ông, các cơ quan có trách nhiệm cần lập tức khuyến khích việc chuyển đổi sang các mô hình khác. “Nếu chúng ta có thể bắt đầu sử dụng phương pháp nông nghiệp sinh thái trên toàn cầu, điều đó có thể giúp chúng ta loại bỏ 1/3 những gì chúng ta cần loại bỏ khỏi khí quyển”.
Saara Kankaanrinta và Ilkka Herlin – chủ sở hữu của Qvidja Farm và là những người đồng sáng lập Nhóm Hành động biển Baltic thuộc Bắc Âu. Họ làm việc với các nhà khoa học tại trang trại để tái tạo đất bị hư hại do thâm canh. Tại trang trại thí điểm Qvidja, nhiều động vật tham gia cải thiện cấu trúc của đất. “Đây từng là một trong những vùng biển ô nhiễm nhất thế giới. Điều đó đồng nghĩa với việc có rất nhiều nitơ và phốt pho dư thừa trong nước biển. Nếu muốn ngăn chặn dòng chảy từ các cánh đồng, bạn phải có cấu trúc đất thích hợp. Và cách tốt nhất để tái tạo cấu trúc đất là hạn chế xáo trộn đất đai, nhất là cày xới thâm canh”. Hơn nữa, càng có nhiều sự sống dưới lòng đất, càng có ít carbon trong khí quyển.
Nông nghiệp sinh thái cung cấp các giải pháp cho những thách thức toàn cầu lớn chúng ta đang đối mặt như an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Có một số kỹ thuật nông nghiệp sinh thái để đảm bảo mức sản xuất tốt, đồng thời giảm việc sử dụng đầu vào bảo tồn cả đất và tài nguyên nước. Một trong những kỹ thuật này là kiểm soát sinh học, hạn chế sự phổ biến của bệnh tật và sâu bệnh bằng cách sử dụng kẻ thù tự nhiên của chúng.