Song song với tăng cường quản lý, bảo vệ ở các cánh rừng, rất nhiều hoạt động đã được triển khai rộng khắp, kể cả khu vực đồng bằng,… là những động thái quyết liệt và đồng bộ để tạo nên chuyển biến trong bảo vệ động vật hoang dã, nhất là các chuyển biến về nhận thức trong cộng đồng.
Tác động vào nhận thức
Năm 2020 đến nay, từ chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động triển khai nhiều biện pháp, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp, quý, hiếm.
Các lực lượng chức năng như công an, kiểm lâm, hải quan, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường… đã tăng cường biện pháp phòng ngừa, kiểm tra kiểm soát chặt chẽ hành vi vi phạm về săn bắt, mua bán, vận chuyển, quảng cáo, sử dụng trái phép ĐVHD.
Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn Quảng Nam đã phát hiện, xử lý 92 vụ vi phạm về bảo vệ ĐVHD (8 vụ vô chủ). Trong đó, xử lý 83 vụ vi phạm hành chính về hành vi mua bán, vận chuyển động vật rừng thông thường trái pháp luật, thu giữ hơn 1.500 cá thể, cứu hộ 1 cá thể tê tê java nằm trong danh mục loài nguy cấp quý hiếm và thả lại môi trường tự nhiên hơn 1.200 cá thể; tổng số tiền xử phạt hơn 300 triệu đồng.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh thông tin, đã có hơn 1.400 đợt họp dân tuyên truyền với khoảng 84.000 lượt người tham gia; trong đó, hơn 34.000 người ký cam kết về bảo vệ rừng và ĐVHD. Cơ quan chức năng cũng nỗ lực thúc đẩy công tác tuyên truyền với gần 900 đợt tuyên truyền lưu động.
Tại TP.Tam Kỳ, năm 2022, tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) tổ chức cuộc mít tinh và diễu hành kêu gọi chung tay bảo vệ ĐVHD nhân “Ngày động thực vật hoang dã thế giới” với chủ đề “Khôi phục các loài động thực vật hoang dã để phục hồi hệ sinh thái”.
Năm 2023, “Thành phố không thịt ĐVHD” được phát động tại Tam Kỳ và Hội An, hàng chục nhà hàng ở các địa bàn trọng điểm tham gia ký cam kết không tiêu thụ ĐVHD…
Ông Lê Đình Nho – Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ nói, tuyên truyền “từ bàn ăn đến nhận thức” trong bảo vệ, không tiêu thụ thịt ĐVHD là việc mới, ít nhiều vẫn có khó khăn. Chúng tôi đã thâm nhập, kiểm tra 11 cơ sở, nhà hàng quán ăn, thường xuyên phối hợp lực lượng chức năng để vừa tuyên truyền, vừa kịp thời phát hiện xử lý nếu có vi phạm.
“Các chủ nhà hàng đã bước đầu nhận thức và phối hợp trong việc không sử dụng ĐVHD không có nguồn gốc hợp pháp. Tại xã Tam Thăng đã xử lý nhiều trường hợp dùng súng tự chế, lưới tàng hình để săn bắt trái phép trên sông Đầm. Tam Kỳ sẽ cố gắng nhiều hơn, làm tốt hơn nữa, đồng thời mong muốn có thêm sự quan tâm, đồng hành của các tổ chức, cá nhân để hướng tới một thành phố không có thịt ĐVHD trên bàn ăn ở các nhà hàng, quán ăn” – ông Nho chia sẻ.
Tăng cường xử lý vi phạm
Lực lượng Kiểm lâm tỉnh thông tin, trong thời gian qua, nhiều biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi hợp pháp hóa động vật có nguồn gốc trái phép, mua bán, vận chuyển, nuôi, nhốt, quảng cáo, tiêu dùng trái phép ĐVHD nguy cấp, quý hiếm đã được triển khai; kiên quyết xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.
Riêng năm 2021, Chi cục Kiểm lâm triển khai hoạt động thanh tra chấp hành pháp luật về quản lý, bảo vệ động vật rừng đối với cả 63 cơ sở gây nuôi trên địa bàn tỉnh. Qua đó, vừa đánh giá hiệu quả công tác gây nuôi gắn với nhắc nhở, hướng dẫn các cơ sở thực hiện ghi chép, báo cáo để hỗ trợ, tạo điều kiện gây nuôi ĐVHD tại các cơ sở ngày càng phát triển, đúng quy định.
Ông Phạm Văn Kỳ – Quản lý cấp tỉnh tiểu hợp phần giảm cầu tiêu thụ ĐVHD của tổ chức WWF nhận định, nhờ thực hiện tốt các giải pháp được đề ra, hoạt động bảo vệ ĐVHD trên địa bàn Quảng Nam đã có những chuyển biến tích cực.
“Theo cơ sở dữ liệu về ĐVHD của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên – ENV, Quảng Nam dẫn đầu cả nước về công tác xử lý vi phạm ĐVHD do người dân thông báo trong năm 2022; cơ quan chức năng đã phản hồi 100% số vụ vi phạm về ĐVHD do người dân thông báo. Trong đó, tỷ lệ xử lý thành công vụ vi phạm đạt gần 85% và tỷ lệ xử lý thành công liên quan đến ĐVHD còn sống lên đến 94%” – ông Kỳ cho biết.
Ông Hà Phước Phú – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh chia sẻ, nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ ĐVHD theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và bộ ngành liên quan, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện.
“Các ngành đã phối hợp tốt trong việc vận động nhân dân tham gia bảo vệ động thực vật hoang dã, phát huy được nguồn lực tại chỗ trong quá trình tuyên truyền, vận động, đấu tranh phòng chống săn bắt, bẫy ĐVHD trái phép và tố giác tội phạm.
Nhờ đó, công tác quản lý bảo vệ động thực vật hoang dã và bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao. Với những nỗ lực này, hy vọng số lượng các loài ĐVHD trong tự nhiên ở Quảng Nam sẽ được phục hồi và phát triển” – ông Phú nói.