Thiên tai gây thiệt hại gần 19.500 tỷ đồng trong năm 2022
Ngày 5/6, tại Tx.Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai tổ chức Hội nghị Chủ tịch UBND cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt năm 2023 với 500 đại biểu tham gia.
Hội nghị nhằm quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các nhiệm vụ trọng tâm công tác quản lý đê điều, phòng, chống thiên tai năm 2023; trao đổi, thảo luận nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phát huy những sáng kiến, kinh nghiệm tốt trong quá trình thực hiện.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, năm 2022, thiên tai đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng.
Để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, Chủ tịch UBND cấp huyện có vai trò rất quan trọng, là cấp trực tiếp chỉ huy phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý ngay từ khi những vi phạm diễn ra; chỉ đạo tổ chức tuần tra, canh gác, phát hiện và xử lý từ giờ đầu những sự cố đe dọa an toàn chống lũ của đê.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, thực tế công tác cho thấy, nơi nào các lãnh đạo UBND cấp huyện có kinh nghiệm, nắm vững những quy định của pháp luật về trách nhiệm được giao, quan tâm chỉ đạo, đôn đốc sát sao, quyết liệt và tổ chức thực hiện bài bản, nền nếp thì nơi đó công tác quản lý, bảo vệ, hộ đê phòng lụt được thực hiện tốt, vi phạm pháp luật về đê điều ít xảy ra; các tuyến đê được đảm bảo an toàn chống lũ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Về việc này, ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho biết, năm 2022, đã bố trí 125 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương xử lý cấp bách các sự cố về đê điều; năm 2023 tiếp tục bố trí 123 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cả nước hiện có 2.741 km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt; trong đó có 288 điểm xung yếu. Vì vậy, nếu có lũ lớn, mưa bất thường chắc chắn có sự cố. Khi có cự cố vỡ đê, thiệt hại vô cùng lớn, không chỉ về con người mà còn hạ tầng, khu chế xuất, khu công nghiệp. Do đó, bảo vệ đê điều là bảo vệ tính mạng và tài sản người dân.
Theo ông Phạm Đức Luận, để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều tại các địa phương, thời gian tới, các tỉnh cần tổ chức các đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống lũ; đôn đốc các địa phương rà soát, sẵn sàng triển khai phương án hộ đê khi có lũ, bão; tổ chức các hội nghị tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng, chống lụt bão cho lực lượng chuyên trách quản lý đê điều tại 21 tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt.
Các tỉnh cần xây dựng, phổ biến các tài liệu kỹ thuật xử lý sự cố đê điều, hộ đê; tổ chức kiểm tra việc chuẩn bị vật tư, lực lượng, phương tiện, kỹ thuật, chỉ huy và thông tin hai chiều để bổ khuyết kịp thời những thiếu sót, tồn tại; tập huấn nghiệp vụ cho các lực lượng tham gia hộ đê, đặc biệt là lực lượng tuần tra, canh gác, xung kích và quân đội.
Dự kiến 6 tháng cuối năm 2023 sẽ có 11 – 13 cơn bão
Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận định, trong 6 tháng cuối năm 2023, tình hình thời tiết diễn biến bất thường, có khoảng từ 11-13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông và 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền.
Bão hoạt động nhiều hơn từ tháng 8-10 và giảm dần từ tháng 11/2023. Về mưa lũ, ngập lụt, đỉnh lũ các sông ở Bắc Bộ ở mức báo động 1-2, riêng các sông suối nhỏ từ báo động 2-3, tập trung từ tháng 7-9; đỉnh lũ các sông chính từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, Bình Thuận ở mức báo động 1-2, có sông trên báo động 2; các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và Tây Nguyên ở mức báo động 2-3. Nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh khu vực vùng núi phía Bắc và miền Trung.
Riêng về tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin, tỉnh có hệ thống đê điều lớn với gần 500 km, các tuyến đê đã phát huy tác dụng ngăn nước lũ trên các sông, ngăn nước dâng do bão ở các tuyến đê biển, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho gần 2 triệu người dân và 260.000 ha đất ở, đất sản xuất công, nông nghiệp.
Các tuyến đê đã hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị – xã hội. Ngoài tác dụng chống lũ, các tuyến đê này còn đóng vai trò là các tuyến giao thông quan trọng trong vùng; mặt đê, cơ đê được kết hợp làm quốc lộ, huyện lộ, đường liên xã, liên xóm và đường phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân.
Theo ông Nguyễn Văn Đệ, trong hệ thống chính trị, các cấp chính quyền của tỉnh Nghệ An luôn coi việc phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cấp ủy chính quyền.
Những năm qua, mặc dù có những diễn biến phức tạp trong thiên tai, nhưng tỉnh luôn chủ động xây dựng các phương án phòng, chống và triển khai sớm nhất với phương châm “chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả; trong đó lấy phòng là chính”.
Thời gian tới, tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương trong công tác ứng phó, phòng ngừa và khắc phục hậu quả sau thiên tai, cũng như trong các lĩnh vực khác nhằm giúp Nghệ An phát triển toàn diện, bền vững. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm bố trí kinh phí để hoàn thiện đê Lương Yên Khai (huyện Thanh Chương).
Ngoài ra, tại hội nghị, nhiều tham luận của các lãnh đạo Chi cục Thủy lợi, Chủ tịch UBND cấp huyện thuộc các địa phương như: Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương… đã trao đổi bài học kinh nghiệm, cách làm hay, chia sẻ những tồn tại, hạn chế cần tháo gỡ và giải quyết để giữ vững an toàn hệ thống đê điều trước diễn biến lũ bão ngày càng cực đoan, khốc liệt, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, Nhà nước trước thiên tai.