Mọi cán bộ chiến sĩ, nhân viên các lực lượng hải quân, kiểm ngư, cảnh sát biển… đều thuộc lòng đối sách “9K” khi thực hiện bảo vệ chủ quyền trên biển, đó là: Kiên quyết, Kiên trì, Khôn khéo, Không khiêu khích, Kiềm chế, Không được nổ súng trước, Không mắc mưu khiêu khích, Không để nước ngoài lấn chiếm biển đảo, Không để xảy ra xung đột.
Kiểm ngư chủ công
Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam (KNVN) được thành lập theo Nghị định số 102/2012/NĐ-CP (29.11.2012) với nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam. Bên cạnh đó, KNVN còn bảo vệ ngư dân và chủ quyền quốc gia trên biển. Là đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT, hiện nay KNVN có 5 chi đội quản lý với hàng trăm tàu thuyền.
Ra mắt ngày 15.4.2014 tại TP.
Đà Nẵng, chỉ nửa tháng sau (1.5.2014), KNVN đã phát hiện giàn khoan
Hải Dương 981 và lực lượng bảo vệ của Trung Quốc tiến hành khoan thăm dò tại khu vực Tri Tôn (Hoàng Sa), nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tàu CSB-6006 (giữa) theo dõi chặt chẽ tàu kéo giàn khoan Trung Quốc (ảnh chụp tháng 6.2015)
|
“Ngay tức thì, các tàu KNVN đã có mặt tại thực địa, cùng các lực lượng khác đấu tranh ngăn cản, buộc phía Trung Quốc phải rút giàn khoan 981”, ông Nguyễn Văn Trung, nguyên phó cục trưởng KNVN cho biết vậy và kể: “Từ ngày 2 đến 5.5, Trung Quốc đã dùng tàu đâm húc nhiều lần và phun nước áp lực cao làm hư hại 8 tàu KNVN và 6 cán bộ nhân viên kiểm ngư bị mảnh kính văng vào gây thương tích phần mềm. Từ 15 tàu kiểm ngư làm nhiệm vụ đấu tranh những ngày đầu tháng 5.2014, chúng tôi đã tăng cường hàng chục tàu từ các chi đội khác và suốt 75 ngày sau đó, anh em đã kiên quyết, dũng cảm làm nhiệm vụ”.
Tàu CSB Việt Nam (trái) xua đuổi tàu khoan Tân Hải – 517 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam (ảnh chụp tháng 6.2015)
|
Ông Nguyễn Văn Nam, nguyên Bí thư chi bộ tàu KN-766 (Chi đội Kiểm ngư 4) nhớ lại: “Tàu nhỏ nên sức chịu đựng sóng gió chỉ dưới cấp 7 – 8; phương tiện quan sát hạn chế nên khó khăn trong nhận dạng mục tiêu; tàu nhỏ nhưng quân số tàu và lực lượng tăng cường đông, chỗ ăn ở sinh hoạt hạn chế, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý anh em; khu vực hoạt động có dòng chảy lớn, phức tạp; lần đầu tiên làm nhiệm vụ ngăn cản, xua đuổi tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền nên bước đầu có phần bỡ ngỡ…”.
Tàu hải cảnh 3901 của Trung Quốc phun nước công suất cao vào tàu kiểm ngư Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, tháng 7.2019
|
Thế nhưng KN-766 cùng biên đội tàu của chi đội Kiểm ngư 4 đã vượt qua mọi khó khăn, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao. Riêng tàu KN-766 đã tham gia đấu tranh tạo áp lực với trên thực địa trong suốt 75 ngày, tổ chức 125 lần vòng tránh tàu Trung Quốc quây ép, tiếp cận giàn khoan 130 lần ở khoảng cánh gần nhất là 4,8 hải lý và tổ chức tuyên truyền 150 lượt ngay trên thực địa.
Đeo bám quyết liệt
Sau sự kiện Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Tri Tôn (Hoàng Sa, TP.Đà Nẵng) từ tháng 5 – 7.2014, lực lượng thực thi pháp luật trên biển của ta càng có thêm kinh nghiệm đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển.
Máy bay trinh sát Trung Quốc bay gần tàu kiểm ngư Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, để đe dọa (ảnh chụp tháng 2016)
|
Được
Chính phủ đầu tư nhiều phương tiện, trang thiết bị hiện đại, lực lượng này đã đảm đương được mọi nhiệm vụ đẩy đuổi, ngăn chặn các tàu thuyền – phương tiện nổi của nước ngoài xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Đơn cử, tối 5.6.2015, tàu khảo sát thăm dò dầu khí Tân Hải – 517 của Trung Quốc có ý định xâm phạm lãnh hải Việt Nam.
Tàu hải cảnh 3501 của Trung Quốc phun nước vào tàu KN-474 của chi đội Kiểm ngư 4 tiếp cận ngăn cản tàu Hải Dương địa chất 8 xâm phạm chủ quyền Việt Nam (ảnh chụp tháng 7.2019)
|
Ngay lập tức, tàu CSB-2010 và các tàu của Chi đội Kiểm ngư 4 đã đón lõng chặn đầu. Sáng 6.6.2015, tàu Tân Hải – 517 cố tình đổi hướng đi và xâm phạm vào vùng lãnh hải Việt Nam (vượt quá 5 hải lý theo đường cơ sở) với mục đích sẽ đi sâu xuyên qua giữa đảo Phú Quý (
Bình Thuận) và đất liền Việt Nam. Các tàu Chi đội Kiểm ngư 4 đã tổ chức đội hình, cùng tàu CSB-2010 ép tàu Tân Hải – 517 phải đổi hướng ra ngoài lãnh hải Việt Nam. Đến chiều ngày 6.6.2015, tàu Tân Hải – 517 buộc phải ra khỏi lãnh hải, dưới sự “áp giải” của tàu CSB-2010.
Những năm về trước, việc tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền biển, đảo nước ta rất nghiêm trọng, nhất là khu vực quần đảo Trường Sa, bằng số lượng đông, trang bị hiện đại… tàu thuyền nước ngoài luôn tỏ thái độ ngang ngược và coi thường luật pháp quốc tế, co cụm, thách thức các lực lượng của ta. Với tinh thần kiên quyết tuyên truyền, xua đuổi, giữ vững đối sách, các lực lượng của Vùng 4 Hải quân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đấu tranh, làm sạch vùng biển, đẩy lực lượng tàu thuyền nước ngoài ra xa đảo. Đến nay, tỉ lệ tàu thuyền đánh cá của ngư dân và các lực lượng của ta đã chiếm ưu thế trên các khu vực biển, đảo Trường Sa, vừa làm nhiệm vụ đánh bắt, vừa tham gia đấu tranh, vừa khẳng định chủ quyền của Tổ quốc…
Đại tá Nguyễn Công Sơn, nguyên phó chính ủy vùng 4 hải quân
|
Tiếp sau đó, ngày 11.6.2015, tàu kéo dịch vụ HAIYANGSHIYOU-681 kéo giàn khoan ENSCO-105 với vận tốc ban đầu là 4.4 hải lý/giờ đi vào vùng biển của Việt Nam ở khu vực phía Đông – Đông nam bán đảo Sơn Trà (TP.Đà Nẵng) gần 60 hải lý.
Tàu CSB-4031 (trái) ngăn cản tàu hải cảnh Trung Quốc (ảnh chụp tháng 10.2019)
|
Ngay lập tức, tàu CSB-6006 của vùng CSB 2 cùng các tàu của chi đội Kiểm ngư 3 đã đón lõng, chặn đầu. Tuân thủ Công ước Luật Biển 1982 về quyền đi qua không gây hại, các tàu CSB và KNVN đã bám sát tàu kéo và giàn khoan, đến khu vực phía đông Cù Lao Xanh (TP. Quy Nhơn, Bình Định) có thêm lực lượng tiếp ứng của biên đội tàu KN Chi đội 4. Ngày 15.6.2015, khi cách đảo Phú Quý (Bình Thuận) khoảng 40 hải lý, tàu kéo và giàn khoan ENSCO-105 đổi hướng tiến thẳng vào vùng biển Việt Nam. Ngay lập tức, các tàu CSB, KN đã tiếp cận ở khoảng cách gần, ép sát chặn đầu và bật loa tuyên truyền, buộc tàu kéo HAIYANGSHIYOU-681, sau hơn 1 tiếng đồng hồ giằng co, phải đổi hướng ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã kiên quyết, kiên trì, mềm dẻo, khôn khéo trong tham gia đấu tranh trên thực địa để tuyên truyền, ngăn cản tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển của ta, góp phần bảo vệ hoạt động dầu khí và kinh tế biển, giữ vững chủ quyền biển, đảo, tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Cảnh sát biển chủ động sử dụng lực lượng tiến hành tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, nhất là khu vực Vịnh Bắc Bộ, vùng biển miền Trung, kịp thời phát hiện, tuyên truyền, yêu cầu trên 3.500 lần/chiếc tàu nước ngoài vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam; phối hợp xác minh, xử lý hàng trăm vụ tàu cá của ngư dân Việt Nam bị lực lượng chức năng nước ngoài xua đuổi, bắt giữ. Đồng thời, tổ chức lực lượng trực tại các vùng biển giáp ranh với các nước để tuyên truyền, ngăn chặn tàu cá của ngư dân ta vi phạm vùng biển nước khác đánh bắt hải sản, góp phần thực hiện đúng cam kết của Chính phủ Việt Nam với Ủy ban châu Âu (EC) trong việc đề nghị rút “thẻ vàng” đối với ngành thủy sản Việt Nam.
Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam
|
“Trong quá trình đeo bám tàu kéo và giàn khoan Trung Quốc, lực lượng thực thi pháp luật trên biển Việt Nam còn bị 1 máy bay
quân sự màu ghi, không số hiệu tiến hành trinh sát – uy hiếp 2 vòng ngay phía trên đội hình tàu Cảnh sát biển – Kiểm ngư, ở khu vực phía Nam – Đông nam đảo Hòn Hải (thuộc huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận)”, một cán bộ KNVN kể.
Đuổi Hải Dương 8
Từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10.2019, tàu khảo sát Hải dương địa chất 8 được hàng chục tàu hải cảnh, tàu dân binh Trung Quốc bảo vệ đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Ngay khi nhóm tàu khảo sát của Trung Quốc xuất hiện phía nam – đông nam Hòn Hải (Phú Quý, Bình Thuận), các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam đã đón lõng, ngăn chặn và phát loa tuyên truyền.
“Không chỉ sử dụng các tàu lớn, chia thành nhiều tốp, vòng nhằm bảo vệ Hải Dương 8, họ còn sẵn sàng húc ủi đâm va khi tàu ta tiếp cận đấu tranh tuyên truyền”, một cán bộ có mặt tại thực địa kể vậy và nhấn mạnh: “Bây giờ, họ còn sử dụng các tàu cá vỏ sắt công suất lớn trong đội hình bảo vệ để khiêu khích tạo cớ (đi cắt mũi) nhằm vu cáo tàu ta có những hành động đâm va, xua đuổi”.
Những ngày tháng 5 – 6.2020, phía Trung Quốc lại đưa tàu Hải Dương 4 và các tàu hải cảnh xuống khu vực Biển Đông hòng làm căng thẳng tình hình, bị dư luận quốc tế cực lực lên án. Các tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển Việt Nam lại được tăng cường trực chiến, trinh sát trên các vùng biển, bám sát theo dõi chặt chẽ biến động của các tàu nước ngoài.
Thời gian đi biển làm nhiệm vụ thường chỉ 1 tháng, nhưng có trường hợp như tàu 6001, 6006 của Hải đoàn 21 (vùng Cảnh sát biển 2) đi tuần tra dọc đường phân định Việt Nam – Indonesia từ đầu tháng 10.2019, khi có tình hình đột xuất đã nhận lệnh tham gia bảo vệ chủ quyền, mãi đến cuối tháng 5.2020 mới được về bờ.
Đại tá Võ Văn Kính, nguyên Phó chính ủy vùng Cảnh sát biển 2 nói: “Mấy tàu này sản xuất từ những năm 60. Vậy mà anh em vẫn không một lời kêu ca, kiên cường bám biển. Trân quý vô cùng!”.
Tàu Việt Nam (phải) trong đội hình đấu tranh ngăn chặn nhóm tàu Hải Dương địa chất 8 xâm phạm chủ quyền Việt Nam, từ tháng 7 đến cuối tháng 10.2019
|
“Nhiều người cứ hô hào đâm va đánh nhau. Họ ngồi ở phòng lạnh trong bờ bàn luận, lên bàn phím gõ chữ đòi hỏi, chưa bao giờ đi biển nên không biết được những khó khăn vất vả và nhất là ý chí, tinh thần của những người lính biển. Chúng tôi phải kiên quyết, kiên trì và khôn khéo bảo vệ chủ quyền. Giữ được biển đảo trước dã tâm thường trực, trước tương quan lực lượng không cân xứng là rất khó. Nhưng chúng tôi đã và đang làm được”, đại tá Võ Văn Kính, nguyên Phó chính ủy vùng Cảnh sát biển 2 khẳng định.