Những ngày qua thời tiết nắng nóng gay gắt ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân. Để khắc phục khó khăn do thời tiết, ngành nông nghiệp và các địa phương cùng người dân trong tỉnh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo vệ cây trồng.
Người dân phường Đông Cương (TP Thanh Hóa) tưới cho cây trồng mùa nắng nóng.
Thời tiết nắng nóng diễn ra đúng vào thời điểm thu hoạch lúa xuân nên người dân ở các địa phương trong tỉnh đã chủ động thay đổi giờ làm việc để bảo đảm sức khỏe, tiến độ mùa vụ. Tại các vùng chuyên canh rau màu trên địa bàn tỉnh người dân chủ động lắp hệ thống nhà lưới, phun tưới tự động để cung cấp độ ẩm, bảo đảm sự sinh trưởng và phát triển của các loại rau màu. Chị Phùng Thị Huân ở thị trấn Thiệu Hóa, chia sẻ: “Gia đình tôi có 3 sào chuyên canh các loại rau theo mùa. Trong những ngày nắng nóng, gia đình tích cực tưới cho rau màu vào sáng sớm và chiều muộn, kéo lưới chống nắng để bảo vệ cây ở khung giờ từ 10 đến 16 giờ hằng ngày. Việc làm đất, gieo trồng rau màu gối vụ cũng được gia đình tranh thủ làm khi nhiệt độ ngoài trời dịu mát”.
Trong vụ xuân 2023, tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh đạt gần 191.044 ha cây trồng các loại. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, đến ngày 28-5 toàn tỉnh đã thu hoạch hơn 97.830 ha cây trồng vụ xuân và thời tiết nắng nóng chưa gây thiệt hại tới sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Thanh Hóa, tình hình nắng nóng trong thời gian tới sẽ gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm, trong đó có những đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt và kéo dài nhiều ngày. Thời tiết cực đoan đặt việc sản xuất nông nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức khi nước ở các hồ đập, sông, suối và các công trình thủy lợi đầu mối đang ở mức thấp.
Theo Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa, dự kiến toàn tỉnh có khoảng 18.095 đến 22.535 ha cây trồng có nguy cơ hạn, thiếu nước, ảnh hưởng đến năng suất. |
Theo Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa, dự kiến toàn tỉnh có khoảng 18.095 đến 22.535 ha cây trồng có nguy cơ hạn, thiếu nước, ảnh hưởng đến năng suất. Diện tích thiếu nước tập trung chủ yếu ở đuôi kênh và các chân ruộng cao khó tưới. Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, các giải pháp ứng phó với các kịch bản khác nhau về khí tượng, thủy văn, nguồn nước do ảnh hưởng của El Nino.
Để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng và sản xuất nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ đạo các đơn vị thủy nông thực hiện nghiêm túc các phương án tưới và chống hạn từ cuối vụ xuân đến vụ mùa 2023. Đồng thời, phân công cụ thể cán bộ theo dõi, kiểm tra đồng ruộng, củng cố bờ vùng, bờ thửa để tránh mất nước gây thiếu nước cục bộ. Căn cứ tình hình cụ thể về nguồn nước và khả năng cấp nước, các địa phương tổ chức điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp. Bên cạnh đó, các đơn vị thủy nông và HTX dịch vụ nông nghiệp ở các địa phương cần điều tiết, phân phối nước hợp lý, tiết kiệm, không để hiện tượng thất thoát nước hoặc lấy nước tràn lan gây lãng phí. Đối với những diện tích có nguy cơ nguồn nước không đủ cung cấp cho cả vụ, ngành nông nghiệp nghiên cứu điều chỉnh lịch xuống giống để tránh thời điểm hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt trùng thời gian sinh trưởng nhạy cảm của cây trồng. Các địa phương khuyến khích người dân đầu tư thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn, ưu tiên đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, nhất là với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Trước mắt, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân cần thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết để tăng cường các biện pháp chống nắng nóng, phòng dịch bệnh hay xảy ra vào mùa hè cho từng đối tượng cây trồng. Người dân thường xuyên bảo đảm đủ nước tưới, cung cấp chất dinh dưỡng hợp lý theo nhu cầu của từng loại cây trồng. Cùng với đó, khuyến khích người dân đầu tư lắp đặt hệ thống nhà lưới, giàn phun tưới tự động để duy trì độ ẩm, bảo đảm nhiệt độ phù hợp cho cây trồng.
Bài và ảnh: Hải Đăng