Bộ Tư pháp cho biết, cơ quan này đang thẩm định dự thảo Nghị định Quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Như vậy, sau dự thảo lần 3, Nghị định Quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung đang tiến dần đến hiện thực từ chủ trương và quyết tâm của Đảng về khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Trước giờ, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, nhất là khối hành chính thường kêu gọi cán bộ, công chức “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” nhằm tạo ra sự đột phá trong quá trình thực thi công vụ, hướng đến phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn, tạo nền tảng để thực hiện khát vọng vươn lên của địa phương, đơn vị. Tuy nhiên, kêu gọi nhiều, động viên cũng thường xuyên nhưng một “khung sườn” để cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm mà không sợ bị đánh giá là sai quy định vẫn chưa hiện diện trên thực tế. Và cũng từ thực tế, lằn ranh giữa “dám nghĩ, dám làm” với việc “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” đôi khi là rất mong manh, khó đoán định mà nhiều cán bộ dù có giải pháp để xử lý những vướng mắc, khó khăn vẫn không dám triển khai bởi nó nằm ngoài quy định. Những tồn tại, hạn chế diễn ra rất nhiều năm, dân bức xúc đòi câu trả lời dứt khoát từ ngành chức năng nhưng cấp này vẫn đổ cho cấp khác, trái bóng trách nhiệm vẫn lăn mà chưa thể giải quyết rốt ráo, tất cả là vì không “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.
Có lẽ vì vậy mà theo Bộ Nội vụ, đây là nghị định mới, khó, mang tính chính trị cao, chưa có tiền lệ. Dù vậy thì cũng đã đến lúc cần một cơ chế cụ thể, rõ ràng mang tính pháp lý hơn là lời nói suông để có được những bứt phá từ thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cả hệ thống chính trị cùng người dân đều kỳ vọng, khi Nghị định ra đời sẽ khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung. Nghị định ra đời cũng sẽ động viên cán bộ tích cực phát huy trí tuệ sáng tạo, mạnh dạn đề xuất ý tưởng, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.
Cũng theo Bộ Nội vụ, Nghị định sẽ ngăn ngừa, xử lý nghiêm những cán bộ lợi dụng chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Điều này đang hiện thực hóa mong muốn, nguyện vọng của người dân về những “công bộc của dân”.
Tâm Ngọc