Hội nhập quốc tế đã giúp chúng ta tiếp thu nhiều kinh nghiệm về bảo tồn, phát huy các Di sản văn hóa từ các nước tiên tiến trên thế giới. Việc trùng tu, sửa chữa, bảo tồn các Di sản ở Huế, Hội An, Mỹ Sơn đã được áp dụng nhiều phương pháp hiện đại.
Quần thể Di tích Cố Đô Huế là sự kết hợp nhiều mặt của cung đình từ triều Nguyễn (triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam) với thành thất Hoàng Thành Huế bao gồm cả Ngọ Môn và nhiều lăng tẩm của Hoàng đế Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định và nhiều di tích đền chùa khác. Thời gian qua bằng nguồn lực trong nước và quốc tế, quần thể di tích này đã được hồi sinh trở lại, khắc họa được phần nào hình bóng vàng son lộng lẫy như xưa…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch hiện đang tập trung hoàn thiện đề án số hóa Di sản Văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 và đề án xây dựng bản đồ số quản lý liên kết dữ liệu Di sản Văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 trong đó đặt mục tiêu nối dài cánh tay công nghệ, giữ được cơ sở dữ liệu quan trọng của quá khứ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị Di sản một cách căn cơ, có trách nhiệm vì sự phát triển bền vững kinh tế xã hội trong hiện tại và cả tương lai.