Thiếu nguồn nhân lực
Di sản văn hóa dưới nước như một bộ phận không thể tách rời của di sản văn hóa nhân loại và là một nhân tố quan trọng trong lịch sử các dân tộc, các quốc gia cũng như mối quan hệ của họ với các quốc gia khác có liên quan đến di sản chung. Việt Nam là quốc gia biển, có hàng trăm cảng cửa biển lớn nhỏ, hệ thống đường sông, có truyền thống giao thương trên biển từ thời tiền sử, biển Đông của chúng ta chứa đựng rất nhiều di sản văn hóa dưới nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước ở Việt Nam vẫn còn có những khó khăn, hạn chế.
Bà Đinh Thị Thanh Nga, Trung tâm nghiên cứu khảo cổ học dưới nước, Viện khảo cổ học Việt Nam cho biết: Việt Nam đã và đang không có nhiều những chuyên gia được đào tạo bài bản về nghiên cứu, bảo tồn, quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước. Ở các cuộc khai quật di tích tàu đắm từ trước cho đến nay, chuyên gia khảo cổ học trong nước không trực tiếp tham gia khai quật mà chỉ theo dõi qua màn hình điều khiển và tham gia chỉnh lý di tích, di vật hậu khai quật. Cho đến trước tháng 7 năm 2013, Việt Nam vẫn chưa có một đơn vị nghiên cứu nào về khảo cổ học dưới nước, khảo cổ học hàng hải theo ý nghĩa đầy đủ của nó.
Sự thành lập và chính thức đi vào hoạt động của Phòng Nghiên cứu Khảo cổ học Dưới nước nay là Trung tâm Khảo cổ học Dưới nước, Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu, bảo tồn, quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước. Nhân sự hiện nay của Trung tâm chỉ gồm 4 cán bộ (2 nhân sự đã có được chứng chỉ lặn quốc tế ở độ sâu dưới 18m) và các kỹ năng cơ bản tác nghiệp trong môi trường nước của cán bộ Trung tâm chưa thực sự vững vàng.
“Có thể nói, Việt Nam hiện nay vẫn đang thiếu đội ngũ chuyên gia nghiên cứu về khảo cổ học dưới nước. Không có nguồn nhân lực được đào tạo bài bản theo các phương pháp của khảo cổ học dưới nước thực sự sẽ là một khó khăn rất lớn cho sự phát triển của khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam nói riêng cũng như công tác nghiên cứu, bảo tồn, quảng bá phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước nói chung” – bà Đinh Thị Thanh Nga nói.
Đồng quan điểm trên, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Đức Lộc chia sẻ: Sự thiếu hụt nguồn nhân lực, thiếu đội ngũ tham vấn chuyên sâu về công tác nghiên cứu, bảo quản, lập kế hoạch cho cuộc thăm dò, thám sát hoặc cao hơn nữa là khai quật khảo cổ học dưới nước đang là một trong những vấn đề cấp bách không chỉ ở Thừa Thiên Huế mà đây là vấn đề đang được cả nước quan tâm. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí phục vụ cho các cuộc thám sát khảo cổ học chưa mang tính kịp thời/thời sự, còn chịu nhiều tác động bởi các chính sách pháp luật liên quan dẫn đến còn chậm trong thực hiện các thủ tục.
Ngoài ra, công tác tiếp cận thông tin chậm hơn so với các cá nhân như nhà sưu tầm cổ vật và cư dân sinh sống quanh khu vực tàu đắm hoặc khu vực phát hiện di vật nên dễ dàng xảy ra tình trạng các di vật sẽ bị thất thoát do nạn khai quật trái phép của các cá nhân mua bán cổ vật… Đồng thời, công tác bảo quản và phát huy hiện đang là một trong những vấn đề thách thức đối với các địa phương.
Mua bán cổ vật trái phép vẫn còn “tung hoành”
Trong điều kiện rất hạn chế về nhân lực, phương tiện và tài chính, sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của người dân địa phương đóng vai trò rất quan trọng, tuy nhiên, TS Lê Thị Liên, Hội khảo cổ học Việt Nam cho biết: hiện nay, người dân vẫn chưa có nhận thức đúng đắn về vai trò của mình cũng như tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa dưới nước nên những người mua bán cổ vật trái phép thường giấu mặt bằng nhiều cách khi tiếp cận với người dân. Việc họ đưa ra những chỉ dẫn cụ thể cho những món đồ được coi là có giá trị đã khiến cho những người vớt trộm lục lọi, đào bới bừa bãi khiến cho các di tích bị xâm hại nặng nề. Nó cũng ảnh hưởng rất lớn tới an ninh trong khu vực có di tích.
Trong một số trường hợp, các di vật được phát hiện ngẫu nhiên dưới biển hoặc trong các vùng bến cảng, người dân thường giấu diếm thông tin. Họ lo sợ bị tịch thu mà không được đền bù công sức trục vớt (trường hợp súng thần công được phát hiện ở cửa biển Thuận An, tp Huế). Từ đó dẫn tới hiện tượng, người buôn bán cổ vật tiếp nhận được thông tin nhanh hơn các cơ quan quản lý văn hóa và cổ vật nhanh chóng biến mất khỏi hiện trường.
Đồng quan điểm trên, bà Đinh Thị Thanh Nga cho biết: Nhận thức của cộng đồng về giá trị di sản văn hóa dưới nước còn nhiều hạn chế. Ở Việt Nam, người dân nhìn nhận các di tích tàu đắm nói riêng và di sản văn hóa dưới nước nói chung dưới góc độ kinh tế hơn là góc độ văn hóa. Do vậy, họ chỉ tập trung nhiều đến những di tích mang lại giá trị kinh tế cao. Các cuộc khai quật khảo cổ học những con tàu đắm cho đến nay chủ yếu có tính chất trục vớt cổ vật. Công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di tích chưa được chú trọng. Giá trị của di sản văn hóa dưới nước chưa được đặt đúng vị trí của nó.
Bên cạnh đó, nạn ăn cắp cổ vật từ những con tàu đắm và phá hoại di sản văn hóa dưới nước vẫn còn hết sức nghiêm trọng. Nó đã, đang kéo dài và chúng ta vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu cụ thể nào để ngăn chặn tình trạng này. Hầu hết, cho đến nay, những con tàu đắm ở vùng biển Việt Nam mà chúng ta biết được đều do ngư dân địa phương phát hiện. Do vậy, họ thường tiến hành đánh cắp cổ vật trên tàu trước khi thông báo cho cơ quan có thẩm quyền. Trước khi con tàu Cà Mau được tiến hành khai quật, hàng chục nghìn hiện vật đã bị ngư dân đánh cắp. Tàu cổ Cù Lao Chàm cũng ở vào tình trạng như vậy.
Chỉ ra nguyên nhân nạn ăn cắp, phá hoại di sản văn hóa dưới nước vẫn còn “tung hoành”, bà Đinh Thị Thanh Nga cho biết: Hành lang pháp lý để bảo vệ di sản văn hóa dưới nước ở Việt Nam chưa đủ mạnh. Việt Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hệ thống các bộ luật và quy định có liên quan đến quản lý và bảo tồn di sản văn hóa dưới nước. Nghị định số 86/2005/NĐ-CP ngày 08/7/2005 về quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước đã phát huy vai trò tích cực, song các quy định có liên quan vẫn chưa đủ rõ ràng và hoàn chỉnh đem lại nhiều khó khăn cho thực tiễn triển khai.
“Bảo tồn và quản lý di sản văn hóa dưới nước là hoạt động mang tính hệ thống, do đó không thể giải quyết thông qua một luật mà là một hệ thống văn bản pháp quy. Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục điều chỉnh và sửa đổi các điều khoản, quy tắc xử lý về quản lý và bảo tồn di sản văn hóa dưới nước đồng thời phê chuẩn Công ước UNESCO năm 2001 về việc bảo vệ và quản lý di sản văn hóa dưới nước để nâng cao hiệu quả bảo tồn loại hình di sản này” – bà Đinh Thanh Nga nói./.
Nguồn: https://toquoc.vn/bao-ton-va-phat-huy-di-san-van-hoa-duoi-nuoc-con-nhieu-thach-thuc-20240514140637057.htm