Hằng năm, tỉnh khai thác hơn 3.000 tấn dược liệu quý, phục vụ nhu cầu chữa bệnh cho người dân tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Bảo tồn nguồn dược liệu bản địa
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận Lê Vũ Chương cho biết, hơn 10 năm qua, tỉnh đã có định hướng thực hiện các mô hình liên doanh, liên kết để mở rộng diện tích và nâng cao công tác bảo tồn, phát triển nghề thuốc nam truyền thống của đồng bào Chăm qua việc triển khai các đề tài: “Bảo tồn và phát triển nguồn gen nấm quế linh chi”; “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển một số nguồn gen cây thanh thiên quỳ, cây sa nhân tím”… có nguồn gốc từ Vườn quốc gia Phước Bình, huyện Bác Ái… đã tạo khí thế mới cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nâng cao nhận thức về bảo tồn và biết cách sản xuất dược liệu quý thành sản phẩm hàng hóa, đem lại giá trị kinh tế cao, từng bước tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Cùng với đó, tỉnh đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư trồng hàng trăm héc-ta các loại dược liệu, đồng thời khai thác nguyên liệu từ nguồn dược liệu bản địa để sản xuất sản phẩm hàng hóa đặc thù như: Nước uống đóng chai, trà túi lọc, viên nén đinh lăng, trà khổ qua rừng, thạch nha đam… cung cấp ra thị trường hơn 10 triệu sản phẩm/năm.
Năm 2009, Hội Ðông y tỉnh Ninh Thuận được Quỹ Môi trường toàn cầu hỗ trợ 50.000 USD để thực hiện dự án “Xây dựng mô hình trình diễn, bảo tồn nghề thuốc nam truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận” tại xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, giúp địa phương xây dựng vườn thuốc nam mẫu.
Dự án được người dân hưởng ứng, đã trồng hơn 10 ha dược liệu đặc hữu, qua đó, nhiều cây thuốc quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, như cam thảo nam, chó đẻ răng cưa, bạch tật lê, đỗ trọng nam, thổ cao ly sâm, trắc bách diệp, huyết dụ, cây râu mèo, thổ phục linh, mạch môn, thiên môn, quýt rừng, ngũ da bì gai… được bảo tồn tốt.
Mỗi vùng đất ở Ninh Thuận được tạo hóa ban tặng các loài dược liệu quý khác nhau. Vùng rừng, núi cao thuộc huyện Bác Ái có 6 loài cây sa nhân, trong đó, có cây sa nhân tím. Vùng đồi núi thấp thuộc các huyện Ninh Hải và Thuận Bắc có cây xáo tam phân.
Vùng ven biển xã Vĩnh Hải và khu vực Vườn quốc gia Núi Chúa, huyện Ninh Hải; xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam lại có nhiều loài dược liệu với dược tính cao, được sử dụng phổ biến và lưu truyền qua nhiều thế hệ như: Ké hoa vàng, đầu ngựa, củ bình vôi, cây cối xay, tô mộc, mã tiền, tọa dương, hà thủ ô trắng, hoàng đằng, hoàng kỳ nam, đinh lăng…
Từ nguồn dược liệu tự nhiên phong phú, cộng đồng các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đã khai thác, sử dụng và hình thành các làng nghề bốc thuốc nam truyền thống với kinh nghiệm hàng trăm năm, như: Làng nghề bốc thuốc nam của người Chăm ở xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, có hơn 1.200 hộ gia đình hành nghề (chiếm hơn 50% dân số toàn xã).
Hàng trăm năm qua, người dân đã bảo tồn, sử dụng hơn 300 loài cây dược liệu bản địa để sử dụng cho 600 bài thuốc chữa các bệnh. Toàn xã đã phát triển hơn 20 đại lý cung cấp thuốc nam cho lương y các tỉnh, thành phố trên cả nước. Ðến nay, toàn xã có hơn 70% hộ gia đình người Chăm hành nghề thuốc nam, trong đó hơn 40% lương y thường đi chữa bệnh, bán thuốc từ nam ra bắc, sang cả các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Campuchia.
Phong trào bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu ngày càng lan tỏa. Lương y Kiều Anh ở xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải chia sẻ: “Ðầu năm 2022, nhờ Hội đồng Anh hỗ trợ 150 triệu đồng, tôi đã đầu tư mô hình bảo tồn cây thuốc nam theo hướng bền vững bằng cách trồng hơn 100 cây thuốc thuộc 50 loài quý hiếm trên 3.000 m2 đất của gia đình. Tiếp đó, tôi lên vùng đồi núi cao thuộc thôn Rã Giữa, xã Phước Trung, huyện Bác Ái mua 2 ha đất làm nông trại để trồng và bảo vệ nguồn gen các loài dược liệu quý khác. Nhờ cung cấp nguồn dược liệu quý cho đồng bào Chăm tại địa phương bào chế thuốc nam đã giúp gia đình tôi có kinh tế tốt hơn”.
Mô hình trồng 200 cây xáo tam phân dưới tán cây xoài của ông Nguyễn Văn Thiệu ở thôn Ba Tháp, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc triển khai từ năm 2012, đến nay, mỗi gốc xáo tam phân đã cho thu hoạch từ 5-6 kg rễ tươi được bán với giá 1 triệu đồng/kg. Hiện nay ông Thiệu đã tự nhân giống và mở rộng quy mô lên hơn 1 ha.
Tại các vùng đồng bào Chăm huyện Ninh Phước, đồng bào Raglai huyện Bác Ái, người dân cũng khai thác nhiều loại dược liệu bản địa để bào chế thuốc chữa một số bệnh thường gặp.
Ðến nay, ngành y tế tỉnh Ninh Thuận đã biên tập hình ảnh 128 cây thuốc địa phương, kèm theo tóm tắt dược tính, công dụng để mọi người nhận dạng khi sưu tầm, sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày; biên tập thành sách “Cây thuốc nam thường dùng” với 177 cây thuốc, vị thuốc từ các loại rau quả, củ, gia vị, trái cây, cây thuốc… kèm theo các tên gọi, dược tính, công dụng, tác dụng chữa bệnh, tập hợp gần 1.000 bài thuốc kinh nghiệm từ các tư liệu đông y; biên tập thành sách “Một số bài thuốc nam tiện dụng” phân theo 35 nhóm bệnh, tổng hợp được gần 1.000 bài thuốc được dùng chữa trị bệnh, đã phổ biến trong các lớp bồi dưỡng chuyên môn cho hội viên của các hội đông y và cung cấp các tài liệu cho các cấp hội, cán bộ hội viên có nhu cầu, các Tuệ Tĩnh Ðường sử dụng trong việc khám, chữa bệnh và vận động thu hái, nuôi trồng, cung cấp, bào chế thuốc nam dùng chữa bệnh mang lại hiệu quả nhất định.
Đẩy mạnh sản xuất sản phẩm hàng hóa từ dược liệu
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Long Biên, cùng với việc mở rộng nhiều nông trại của nông dân, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã triển khai mô hình trồng thử nghiệm 80.000 cây đinh lăng theo tiêu chuẩn GACP-WHO, (Thực hành tốt nuôi trồng và thu hái theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới). Bước đầu cho thấy, loài cây này thích ứng tốt với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Hiện nay, có một số dự án lớn đầu tư gần 40 tỷ đồng, như: Công ty cổ phần Nông nghiệp Thiên Ðường trồng 10 ha cây nhàu và cây đinh lăng tại huyện Thuận Bắc; Công ty cổ phần Ðầu tư và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Ninh Thuận thực hiện dự án trồng cây ăn trái và dược liệu tại xã Phước Tiến, huyện Bác Ái…
Mới đây, một tập đoàn dược phẩm của Canada đã có chuyến khảo sát thực địa tại xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc để tìm hiểu, triển khai đầu tư dự án trồng 150 ha cây xáo tam phân. Trong tương lai gần, khi được Bộ Khoa học và Công nghệ chấp thuận, Ninh Thuận sẽ triển khai dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng thâm canh một số loại cây ăn quả chất lượng cao kết hợp trồng cây sa nhân tím dưới tán vườn tại huyện miền núi Ninh Sơn và Bác Ái”.
Hiện, Công ty Thảo dược Liên kết Việt Nam tại xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn đã liên kết với người dân trồng 120 ha cây đinh lăng. Năm 2022, công ty đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, lắp đặt dây chuyền chế biến công nghệ cao, đã sản xuất nhiều loại hàng hóa có giá trị từ thảo dược, như: Trà đinh lăng, trà khổ qua rừng, rượu đinh lăng, nước uống đinh lăng,… qua đó thu về lợi nhuận kinh tế cao, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.
Ông Nguyễn Minh Tín, Phó Tổng Giám đốc Công ty GC Food cho biết: Công ty đã liên kết với nông dân bằng hình thức hỗ trợ đầu tư vốn, kỹ thuật từ sản xuất đến chế biến sản phẩm hàng trăm héc-ta cây nha đam (lô hội) được áp dụng công nghệ tiên tiến theo hướng tự động hóa, đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm lớn nhất Việt Nam, năng lực sản xuất hơn 45.000 tấn thạch nha đam/năm. Sản phẩm được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP, xuất khẩu ra nước ngoài.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Long Biên khẳng định: Từ nay đến năm 2025, các doanh nghiệp đã đầu tư sẽ được tỉnh tạo điều kiện mở rộng diện tích khoảng 600 ha trồng dược liệu quý hiếm tại các xã thuộc huyện Bác Ái, để bảo tồn và phát triển bền vững dược liệu bản địa, nhằm tạo ra sản phẩm đặc thù, tạo nguồn thu mới cho tỉnh. Ðến năm 2030, khu vực sơ chế, bảo quản dược liệu tại xã Phước Ðại (huyện Bác Ái) sẽ được xây dựng.
Nguồn: https://nhandan.vn/bao-ton-va-khai-thac-duoc-lieu-quy-o-ninh-thuan-post816946.html