Khai thác bền vững rừng dừa nước
Nằm ở hạ lưu sông Trà Khúc, xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi nổi tiếng với rừng dừa nước mênh mông, nơi đây được ví như một tấm lá chắn, hướng ra biển, che chở dải đất liền. Ngay từ những năm 1930, người dân rừng dừa Tịnh Khê đã “nương nhờ” khoảnh dừa này để sinh sống, họ bắt cá, bắt cua, lội đầm đi chặt từng lá dừa về chằm lại thành từng tấm lớn lợp mái nhà, mái hiên, chuồng trại. Trải qua nhiều biến cố, rừng dừa nước Tịnh Khê vẫn là nơi mưu sinh của người dân, từ nghề đan lá dừa, bán trái dừa, chèo ghe cho khách tham quan… của người dân địa phương.
Bà Nguyễn Thị Tía, người dân thôn Trường Định, xã Tịnh Khê cho biết, trước đây có giai đoạn rừng dừa nước bị tàn phá nhiều nhất vào các năm 1989 – 2001. Lúc ấy nghề nuôi tôm sú mang lại nguồn thu nhập cao nên nhiều người ồ ạt phá dừa, lấn sông Kinh để nuôi tôm tự phát. Những năm đầu trúng lớn, nhiều người phất lên chỉ sau vài vụ tôm. Nhưng cũng chỉ được vài năm thì nguồn nước sông Kinh bị ô nhiễm, tôm nuôi bị bệnh chết, người nuôi thất thu. Hàng loạt hồ nuôi bị bỏ không, người dân chuyển sang nghề chằm lá dừa, đan lát… Diện tích rừng dừa cũng vì thế được bảo tồn.
“Mình vừa khai thác vừa giữ gìn tài sản cha ông để lại. Mỗi năm chúng tôi chỉ được thu hoạch 1 – 2 kỳ, từ tháng Giêng đến tháng 2 và từ tháng 6, tháng 7, tháng 8. Không chỉ bán lá dừa, gia đình còn thu lợi từ việc đánh bắt tôm, cá tại các luồng lạch. Cây dừa nước đã gắn liền với cuộc sống người dân bao đời nay nên gia đình luôn gìn giữ, bảo vệ rừng dừa”- bà Tía chia sẻ.
Cũng như rừng dừa nước Tịnh Khê, nhờ việc bảo tồn và khai thác hợp lý, rừng dừa Cà Ninh tại xã Bình Phước, huyện Bình Sơn với nguồn lợi thủy sản tự nhiên như cá, tôm, cua và các sản phẩm từ trái dừa nước đã mang lại cuộc sống no đủ cho nhân dân. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, người dân xã Bình Phước cho biết, rừng dừa nước Cà Ninh có nguồn lợi thủy sản đa dạng, dưới đáy là bùn non rất thích hợp cho tôm sinh sôi, phát triển. Ngoài tôm, cá, nhánh sông này còn là nơi trú ngụ của nhiều sinh vật nước lợ khác như chem chép, don, dộp… Từ bao đời nay, thấy được lợi ích từ việc giữ rừng dừa nên người dân cùng nhau ký vào hương ước, thỏa thuận giữ gìn.
“Rừng dừa có từ thời ông bà để lại. Tôi có hơn 20 ha dừa nước, mỗi ngày thu hoạch và đan hơn 20 tấm lá dừa, bán được khoảng 500 nghìn đồng. Người dân ở đây cắt lá dừa bằng kỹ thuật truyền thống cây 3 lá thì để lại 1 lá cho cây phát triển và cắt sát bẹ mới tự nhảy cây con được”- ông Sơn chia sẻ.
Hướng đến khai thác du lịch
Không chỉ là một “lá phổi xanh” giúp điều hòa không khí, có tác dụng chắn gió bão, ngăn chặn xâm nhập mặn…, các rừng dừa nước ở Quảng Ngãi hiện đang thu hút một lượng lớn khách du lịch đến đây tham quan, tận hưởng không khí mát mẻ từ đặc trưng rừng dừa mang lại.
Theo ông Võ Minh Chính – Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê cho biết, hiện rừng dừa nước Tịnh Khê còn khoảng 10 ha. Những năm trở lại đây không chỉ hồi sinh, mà ngày càng xanh tốt và nhân rộng. Người dân Tịnh Khê nâng niu, gìn giữ những cánh rừng dừa, bằng tất cả tình yêu với mảnh đất họ đã gắn bó.
Bảo tồn và sử dụng bền vững rừng dừa nước không chỉ là chuyện của riêng đơn vị hay cá nhân nào mà cần có sự đồng thuận của cả cộng đồng. Trách nhiệm và lợi ích phải được chia sẻ hợp lý để cùng phát triển.
Ông Nguyễn Mãi- trưởng thôn Phú Long, xã Bình Phước cũng chia sẻ, rừng dừa nước Cà Ninh hiện đang phát triển tươi tốt, tạo thành lá chắn phòng hộ ven sông, hạn chế nước mặn xâm nhập. Ngoài ra, rừng dừa còn giúp người dân có cơ hội nâng cao thu nhập. Hàng năm chính quyền và ngành chức năng thả hàng vạn con giống xuống sông này để tái tạo nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, chính quyền xã Bình Phước đang phát triển rừng dừa nước Cà Ninh trở thành điểm du lịch sinh thái mới của huyện Bình Sơn nhằm phục vụ du khách đến khám phá, trải nghiệm.
“Chúng tôi vận động người dân cùng nhau bảo tồn rừng dừa nước và nguồn lợi thủy sản trong khu vực này để phát triển du lịch cộng đồng và mang lại lợi ích bền vững cho nhân dân địa phương” – ông Mãi cho hay.