Nhờ sự gắn kết giữa Gagaku và nhạc múa Chăm, “hồn” của nhạc Chăm được phản chiếu trong sự tinh túy của âm hưởng nhã nhạc Nhật, làm sống lại nền âm nhạc truyền thống của Nhật trong lòng người dân Nhật Bản.
Ở Việt Nam, văn hóa dân tộc Chăm tồn tại tự nhiên, cùng với các dân tộc khác làm nên một nền văn hóa Việt Nam thống nhất, đa dạng, cùng phát triển.
Giá trị văn hóa của nhạc múa (hay vũ nhạc) dân tộc Chăm không chỉ là niềm tự tôn của người Việt Nam mà còn có mối liên hệ sâu sắc tới Gagaku (nhã nhạc) Nhật Bản. Buổi thuyết trình và biểu diễn nhạc múa truyền thống Chăm do Đại sứ quán Nhật Bản tổ chức ngày 11/10 đã cho thấy nét độc đáo trong âm hưởng nhã nhạc Nhật Bản được khơi dậy qua âm nhạc và điệu múa Chăm.
Buổi thuyết minh và biểu diễn nhạc múa truyền thống dân tộc Chăm tại Trung tâm Thông tin và Văn hóa, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, ngày 11/10, thu hút nhiều người tham dự. |
Nét đặc sắc của nhạc múa dân tộc Chăm
Theo ông Lê Xuân Lợi, Thạc sĩ Dân tộc học, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Chăm: “Khi một dân tộc còn con người, văn hóa của dân tộc đó cũng tồn tại. Vậy nên, văn hóa các dân tộc nói chung và văn hóa Chăm nói riêng sẽ tồn tại mãi mãi. Ở Việt Nam, văn hóa Chăm tồn tại tự nhiên và cùng với văn hóa của các dân tộc khác làm nên một nền văn hóa Việt Nam thống nhất, đa dạng, cùng phát triển. Ca múa nhạc của người Chăm cũng sống mãi theo lễ hội, theo phong tục, tập quán, tín ngưỡng dân gian của người Chăm hiện nay”.
Trong lịch sử dân tộc, âm nhạc và điệu múa Chăm xuất hiện và phát triển vô cùng rực rỡ dưới bàn tay của người Chăm. Làn điệu nhạc múa dân tộc ấy gắn liền với đời sống của nhân dân lao động nên mang đậm hình thái dân gian, đạt đến trình độ cao về nghệ thuật bởi sự chuyên nghiệp trong cách sử dụng nhạc cụ và phong cách tổ chức, biểu diễn.
Theo quan niệm của dân tộc Chăm, âm nhạc có khả năng kết nối con người với thế giới thần linh, tạo nên một liên kết tâm linh và giao tiếp với các thực thể siêu nhiên. Âm nhạc là “ngôn ngữ” thiêng liêng, cách để diễn đạt và truyền đạt cảm xúc, ý niệm và ý nghĩa tôn giáo, đồng thời thu hút sự chú ý và ban ơn từ thần linh. Trong các nghi lễ tôn giáo và lễ hội của người Chăm, âm nhạc đóng vai trò quan trọng. Những giai điệu và bài hát được trình diễn trong các nghi lễ có thể mang ý nghĩa tôn giáo, gợi lên sự tôn kính và kết nối với thần linh. Âm nhạc cũng được sử dụng trong các nghi lễ cầu nguyện, lễ cúng và các hoạt động tôn giáo khác.
Vũ điệu Chăm Pa bên tháp Chàm. (Nguồn: Trang thông tin Di sản văn hoá thế giới Mỹ Sơn) |
Kèn Saranai, trống Baranâng và trống Ginăng chính là “cái cốt” tạo nên thanh âm đặc sắc của âm nhạc truyền thống Chăm. Người Chăm ví ba nhạc cụ này như các bộ phận của cơ thể con người.
Theo Tiến sĩ Shine Toshihiko, Tùy viên Văn hóa, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, từ sự kế thừa tinh hoa của nền âm nhạc cổ truyền Ấn Độ, nhạc múa Chăm không chỉ có giá trị văn hóa lịch sử vô cùng quan trọng mà còn lan tỏa đến nhiều nền âm nhạc của các quốc gia lân cận, bao gồm cả nhã nhạc Nhật Bản.
Giữ “hồn” nhạc múa Chăm, khơi âm hưởng nhã nhạc Nhật
Nước Nhật có kho tàng nghệ thuật và văn hóa vô giá, bao gồm một loại hình âm nhạc truyền thống độc đáo có tên gọi là Gagaku. Đặc biệt, Gagaku được cho là có nguồn gốc từ nhạc múa Chăm Pa (Lâm Ấp), được phát triển với sự đóng góp của một nhạc sư người Việt Nam.
Vị sứ giả đã lưu truyền âm nhạc và múa Lâm Ấp được cho là nhà sư Phật Triết (Buttetsu) – người Việt Nam gốc Chăm Pa. Từ nhỏ, sư Phật Triết đã theo học Phật giáo nên nhạc Lâm Ấp mang đậm dấu ấn Phật giáo và Ấn giáo của người Chăm Pa trong biên chế nhã nhạc cung đình và đền, chùa Nhật Bản.
Dàn nhạc kangen – một hình thức của Gagaku, chơi bản nhạc hòa tấu lâu đời nhất thế giới. (Nguồn: Wappuri – Trang thông tin Nhật Bản muôn màu) |
Cả nhạc cụ dân tộc Chăm ở Việt Nam và nhạc cụ được sử dụng trong nhã nhạc nói chung và Lâm Ấp nhạc nói riêng của Nhật Bản đều có sự tương đồng và nguồn gốc từ Bắc Ấn Độ, Ba Tư và Trung Á.
“Nhạc kèn trong âm nhạc người Chăm rất gần với nhạc kèn của cung đình Huế. Các nhạc cụ sử dụng trong nhã nhạc Gagaku có điêu cổ, trong nhã nhạc cung đình Huế biến thể thành trống bồng dùng tay để vỗ, giống như ở âm nhạc Chăm. Âm nhạc của người miền Trung giống với âm nhạc Chăm. Âm nhạc Phật giáo của người Việt với người Nhật có nét tương đồng với nhau”, nhà báo Lương Hoàng nhận định sau buổi thuyết minh và biểu diễn nhạc múa truyền thống dân tộc Chăm. Bên cạnh đó, anh cũng mong muốn có cơ hội giao lưu giữa ba loại hình âm nhạc Việt – Chăm – Nhật với nhau.
Ông Uchikawa Shinya, đại diện Tổ chức hợp tác quốc tế thiện nguyện NPO Manabiya Tsubasa, công cuộc bảo tồn, phát triển nền văn hóa và âm nhạc dân tộc của Nhật Bản đối mặt với nhiều thách thức vì yếu tố chính trị – xã hội. Mặc dù, các giá trị văn hóa cổ truyền chính là tinh hoa của dân tộc nhưng Nhật Bản không phải là đất nước đa dân tộc. Do đó, việc đẩy mạnh nền văn hóa đặc thù, trong đó có các nền âm nhạc lễ nghi ở cấp độ địa phương đã bị mai một. Đây là điều đáng buồn. Vì vậy, Nhật Bản khuyến khích Việt Nam lấy đó làm bài học kinh nghiệm để nhìn nhận một cách nghiêm túc về việc giữ gìn và bảo tồn nền văn hóa dân tộc, yếu tố cấp thiết đối với một quốc gia.
Các nghệ sĩ Đạt Quang Phiêu (Kaphiêu), Đặng Hồng Chiêm Nữ (Suka) của Dàn nhạc múa Kawom Khik Nam Krung trình diễn trong buổi thuyết minh và biểu diễn nhạc múa truyền thống dân tộc Chăm tại Trung tâm Thông tin và Văn hóa, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. |
Ông Uchikawa Shinya, đại diện Tổ chức hợp tác quốc tế thiện nguyện NPO Manabiya Tsubasa chia sẻ, “Chúng tôi mong muốn đẩy mạnh và phát triển các nền văn hóa dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Đây một phần là bài học kinh nghiệm của đất nước Nhật Bản. Chúng tôi đã có một số sai sót trong quá trình bảo vệ và phát triển nền văn hóa của dân tộc Ainu. Hay, như vùng Okinawa (Uchinā), cư dân là dân tộc Nhật (Yamato) nhưng có một chính quyền khác biệt với Nhật Bản trong quá khứ. Chúng tôi đã không thành công lắm về việc bảo vệ và phát triển nền văn hóa Okinawa. Vì vậy, Việt Nam hãy lấy kinh nghiệm của Nhật Bản để đẩy mạnh việc phát huy văn hóa dân tộc”.
Có thể thấy, nhờ sự gắn kết giữa Gagaku và nhạc múa Chăm, “hồn” của nhạc Chăm được phản chiếu trong sự tinh túy của âm hưởng nhã nhạc Nhật. Điều này làm sống lại nền âm nhạc truyền thống của Nhật trong lòng người dân Nhật Bản, giúp thúc đẩy sự phát triển của nền âm nhạc dân tộc đặc trưng của xứ Phù Tang, đồng thời mở ra cơ hội cho âm nhạc dân tộc Chăm được công chúng quốc tế biết đến rộng rãi.