Huế sẽ chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam kể từ ngày 1.1.2025. Theo các chuyên gia, TP Huế được định hình với tư cách đặc thù trên nền tảng bảo tồn các giá trị văn hóa, di sản. Và bảo tồn đô thị di sản Huế là bảo tồn những giá trị di sản văn hóa của Việt Nam.
Giúp Huế bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị di sản
“Trong thời khắc quan trọng này, tôi vô cùng phấn khởi, hạnh phúc và tự hào khi mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đã thành hiện thực. Đây là một mốc son, là dấu ấn quan trọng mang tính lịch sử, không chỉ cho sự phát triển của tỉnh mà còn cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa và lịch sử đặc trưng của Huế,” ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đã xúc động chia sẻ cảm xúc của mình khi TP Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Người đứng đầu chính quyền Thừa Thiên Huế nói rằng, đề án thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương đã được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở những góp ý quý báu của nhân dân, các trí thức, các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các chuyên gia, các ban, bộ, ngành Trung ương. Đã đầy đủ những căn cứ pháp lý, chính trị, thực tiễn và điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí để xây dựng Đề án với phương án mô hình đô thị nhằm sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính các cấp một cách hợp lý và đã đạt được sự đồng thuận cao.
Thời khắc Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương là thành quả có ý nghĩa chính trị, kinh tế – xã hội quan trọng, vừa hiện thực hóa chủ trương của Đảng, vừa thể hiện được ý chí, nguyện vọng và sự đồng thuận cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế.
“Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đảm bảo đúng định hướng, chỉ đạo, quan điểm, tư tưởng của Bộ Chính trị, sẽ tạo ra ảnh hưởng và sức bật mới không chỉ cho Huế phát triển mà còn tạo điều kiện cho Huế khai thác tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh về vị trí, di sản, văn hóa và đóng góp thiết thực cho vùng, cho đất nước, tạo ra những vận hội mới để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ mang tính chiến lược của địa phương, vùng và quốc gia trong giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, sẽ giúp TP Huế bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh,” ông Phương khẳng định.
Trong khi đó, theo ý kiến của các chuyên gia, việc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là cơ hội để Huế trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu, đúng như Nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra. Trong tương lai, sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, đồng thời nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Đây cũng là kết quả của sự kiên trì, nỗ lực và quyết tâm của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và nhân dân toàn tỉnh trong nhiều năm qua.
Đảm bảo hài hòa giữa việc bảo tồn và xu hướng phát triển kinh tế
Lâu nay, Huế nổi tiếng là một thành phố với 8 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của thế giới, cùng gần 1.000 di tích lịch sử; là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố Xanh quốc gia”… khẳng định thương hiệu: “Một điểm đến – 8 di sản.” Do đó, thách thức này luôn được quan tâm, chú trọng để giải quyết thấu đáo, bền vững.
Vì thế, một khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Trong đó, thách thức lớn nhất mà địa phương này lưu tâm là việc đảm bảo hài hòa giữa việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với xu hướng phát triển kinh tế trong bối cảnh phát triển đô thị.
Theo ông Nguyễn Văn Phương, Huế định hướng phát triển trên cơ sở những nét đặc thù về lịch sử, văn hóa, cảnh quan kiến trúc của mô hình thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng với đó, phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, giảm áp lực dân cư tập trung vào đô thị, hạn chế can thiệp, ảnh hưởng đến các di tích và cảnh quan kiến trúc truyền thống. Quá trình phát triển của Huế luôn phải cân nhắc giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị.
Ông Phương dẫn chứng câu chuyện cụ thể, đó là trong các cuộc họp với các chuyên gia, nhà nghiên cứu và cơ quan liên quan, có rất nhiều ý kiến khác nhau về cách thức phát triển mà không làm tổn hại đến giá trị văn hóa của thành phố.
“Vì vậy, Huế sẽ luôn đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư để phát triển kinh tế, song luôn kiên định mục tiêu phát triển gắn với việc giữ gìn cảnh quan môi trường và bảo tồn các giá trị di sản, văn hóa, mặc dù điều này có ảnh hưởng làm hạn chế một phần đến việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh”, ông Phương nói và hy vọng rằng việc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là hành trình tìm kiếm một mô hình phát triển bền vững, nơi di sản văn hóa được bảo vệ và phát huy trong sự phát triển hiện đại.
Nguồn: https://laodong.vn/xa-hoi/bao-ton-hue-do-thi-di-san-dau-tien-cua-ca-nuoc-1439952.ldo