Các tin đồn, cáo buộc sai lệch, thông tin giả về quy trình bỏ phiếu và gian lận bầu cử đang tràn lan trên mạng xã hội trước ngày bầu cử 5-11 ở Mỹ, gây hoang mang cho dư luận xứ cờ hoa.
Theo Đài BBC, tin đồn được lan truyền từ các cá nhân cho đến các nhóm độc lập và một số nhóm liên quan Đảng Cộng hòa, dù ít hơn nhưng một số bài đăng thông tin sai lệch cũng đến từ phía Đảng Dân chủ.
Chính phủ Mỹ cáo buộc các đối tượng nước ngoài, bao gồm Nga, đang lan truyền nhiều video giả nhằm làm suy yếu niềm tin vào quy trình bầu cử.
Cơn bão tin giả này là thách thức lớn đối với các quan chức bầu cử, buộc họ vừa phải bác bỏ tin đồn, vừa phải trấn an cử tri, trong khi vẫn chuẩn bị sẵn sàng cho ngày bầu cử sắp tới.
Chỉ trong tuần này, ông Trump đã tiếp tục cáo buộc gian lận quy mô lớn tại bang chiến trường Pennsylvania.
Trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump viết: “Pennsylvania đang gian lận và bị phát hiện ở quy mô hiếm thấy trước đây. Hãy báo cáo hành vi gian lận cho cơ quan chức năng. Lực lượng hành pháp phải hành động ngay lập tức!”.
Lan truyền thông tin gây hoang mang
Theo Đài BBC, hàng trăm cáo buộc gian lận bầu cử đã xuất hiện trên mạng xã hội, diễn đàn và nhóm trò chuyện. Một số bài đăng đã thu hút hàng triệu lượt xem.
Các bài đăng này bao gồm những tuyên bố sai sự thật như việc người không phải công dân Mỹ cũng dễ dàng đi bầu, hoặc các thông tin vô căn cứ về máy bỏ phiếu, nhằm làm mất lòng tin vào quy trình kiểm phiếu.
Ví dụ một video cho thấy những người gốc Haiti vừa đến Mỹ đã đi bỏ phiếu tại Georgia đã được xác định là giả mạo. Vào cuối tuần qua, các quan chức an ninh Mỹ cho biết video này do các đối tượng Nga tạo ra để gây rối.
Trong trường hợp khác, một người dùng trên mạng xã hội X, tự xưng là người Canada, đăng ảnh phiếu bầu và viết: “Quyết định lái xe qua biên giới và đi bầu”. Tuy nhiên đây cũng là thông tin giả.
Ảnh phiếu bầu thực ra là của bang Florida, nơi yêu cầu phải có giấy tờ tùy thân để bỏ phiếu trực tiếp, và cách biên giới Canada khoảng 20 giờ lái xe.
Các chuyên gia lo ngại rằng cơn bão tin giả trước ngày bầu cử có thể làm suy giảm lòng tin của người dân vào kết quả, thậm chí có thể dẫn đến các vụ đe dọa và bạo lực trước và sau bầu cử.
Điều này từng xảy ra vào năm 2020. Sau khi cuộc bầu cử kết thúc, khi các phiếu bầu còn đang được đếm, ông Trump khi đó đã lên mạng xã hội cáo buộc gian lận và tuyên bố rằng ông là người chiến thắng thực sự.
Khẩu hiệu “Stop the steal” (Ngừng đánh cắp phiếu bầu) đã trở thành biểu tượng cho phong trào của những người ủng hộ ông.
Những nghi ngờ về tính minh bạch của cuộc bầu cử năm 2024 đã lan rộng những ngày nay.
Tại một buổi vận động tranh cử ở bang chiến trường Wisconsin, nhiều người tin rằng nếu không có hành vi bất hợp pháp diễn ra thì ứng viên của Đảng Cộng hòa sẽ chắc chắn chiến thắng.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã cảnh báo rằng các thuyết âm mưu liên quan đến bầu cử có thể dẫn đến những hành động cực đoan.
Các nhà quan sát dự đoán làn sóng thông tin sai lệch sẽ còn kéo dài sau ngày bầu cử, do cuộc bầu cử năm nay dự kiến là một trong những cuộc tranh đua sát nút nhất trong lịch sử hiện đại của Mỹ, và có thể mất nhiều ngày để kiểm đếm toàn bộ phiếu bầu.
Tuoitre.vn
Nguồn: https://tuoitre.vn/bao-tin-gia-gay-hoang-mang-truoc-ngay-bau-cu-tong-thong-my-202411041448019.htm