Bảo tàng Nguyễn Chí Thanh là bảo tàng ngoài công lập, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6/2022. Sau một năm hoạt động, bảo tàng đón gần 8.000 lượt khách trong nước và quốc tế, trong đó có nhiều lượt khách đoàn. Đặc biệt, bảo tàng đón nhiều đồng chí là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng…
Ông Hồ Xuân Đài, Phó Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Chí Thanh cho hay, sau một năm hoạt động bảo tàng đã phối hợp với một số sở, bảo tàng, di tích… làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, kết nối các công ty du lịch, nhà trường, đơn vị lực lượng vũ trang nhằm thu hút du khách và ngoài dân đến tham quan. Ngoài ra, còn phối hợp tổ chức các triển lãm lưu động đến các vùng sâu, vùng xa; tổ chức các hoạt động về nguồn, sưu tầm tư liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan đến Đại tướng Nguyễn Chí Thanh… ở nhiều địa danh trên cả nước.
Dịp này, Bảo tàng Nguyễn Chí Thanh đã khánh thành phục dựng lán làm việc của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Trung ương Cục miền Nam. Lán này được đặt ngay phía trước không gian bảo tàng, được phục dựng theo nguyên mẫu từ kiểu dáng, chất liệu và có tỉ lệ bằng 1/3 nhà thực. Việc phục dựng được lấy từ hình ảnh tư liệu gốc và thực tế di tích lịch sử nhà làm việc của Đại tướng tại Khu di tích Quốc gia Đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, được các nghệ nhân của huyện Tân Biên chuyên phục dựng các di tích cho Ban Quản lý Khu di tích Quốc gia Đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam thực hiện.
Việc bảo tàng tiến hành phục dựng lại và trưng bày bổ sung lán làm việc của Đại tướng tại bảo tàng tạo thành điểm nhấn làm phong phú và sinh động cho hệ thống trưng bày, giúp khách tham quan hiểu thêm về một con người gắn với một giai đoạn lịch sử hào hùng và đầy bi tráng của dân tộc – Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Cũng tại buổi sơ kết, ông Đài thông tin, cùng với Bảo tàng Nguyễn Chí Thanh tại Huế, Bảo tàng Nguyễn Chí Thanh tại Hà Nội cũng đã được thành lập và đi vào hoạt động tại tại số 81 Tân Nhuệ, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Thiết kế kiến trúc tòa nhà bảo tàng được lấy theo nguyên mẫu ngôi nhà số 34 Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội từ những ký ức của các thành viên gia đình Đại tướng với nhiều kỷ niệm sâu sắc mà ông và gia đình đã ở từ năm 1958 – 1986.
Hệ thống trưng bày của Bảo tàng gồm 8 chủ đề chính: Quê hương – Cách mạng miền Trung; Việt Bắc; Xây dựng Quân đội; Xây dựng hòa bình ở miền Bắc; Cách mạng miền Nam; Ngày 06/07; Tấm lòng những người ở lại; Gia đình – hành trình tiếp nối; ngoài ra còn có các tiểu đề về Bình Trị Thiên khói lửa, Nông nghiệp, Đối ngoại, Văn hóa văn nghệ, Thể thao, Ông tướng du kích…
Hệ thống trưng bày giới thiệu hơn 300 ảnh, 220 hiện vật, hơn 150 tài liệu giấy, 23 pho tượng đồng gắn với những dấu mốc quan trọng trong quá trình hoạt động Cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; 2 không gian tái hiện là phòng làm việc trước đây của Đại tướng ở căn nhà 34 Lý Nam Đế và lán làm việc tại Trung ương Cục miền Nam; trên 100 đầu sách do Đại tướng viết và các tác giả viết về Đại tướng; hệ thống phim tài liệu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
N. MINH