Bài học nhãn tiền
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, vụ Mùa 2024, toàn TP gieo cấy đạt khoảng 71.000ha lúa, tập trung vào các giống lúa thuần chất lượng như: BT7, HD11, TBR225, Đài thơm 8…).
Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì khoảng 35 – 37% tổng diện tích các giống lúa thuần năng suất như: Khang dân, Thiên ưu 8, TBR45, TBR 36, BC 15 (kháng đạo ôn); giống lúa lai (Nhị ưu 838, TH3-5, TH3-3)…
Với nhận định về khả năng mưa kéo dài, với lượng mưa lên tới hàng trăm mi-li-mét, nguy cơ ngập úng đối với những diện tích lúa vụ Mùa 2024 là không thể chủ quan, có khả năng ảnh hưởng đến mục tiêu năng suất 59,6 tạ/ha mà ngành nông nghiệp đặt ra.
Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội Đào Quang Khải cho biết, thực tế, những ảnh hưởng ngập úng gây thiệt hại đối với cây trồng nói chung, trong đó có cây lúa đã không chỉ dừng ở mức cảnh báo.
Còn nhớ trong đợt mưa lớn kéo dài hồi cuối tháng 7, đầu tháng 8/2024, hàng ngàn héc-ta lúa của bà con nông dân các huyện ven sông Bùi, sông Tích, thuộc địa bàn các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Mỹ Đức, Thanh Oai… đã bị ngập sâu nước.
Dù ngành nông nghiệp đã khẩn trương hỗ trợ, hướng dẫn người dân khắc phục hậu quả ngập úng nhưng hàng trăm héc-ta lúa vụ Mùa 2024 đã bị “mất trắng”. Bà con phải khôi phục lại hoặc chuyển đổi sản xuất sang cây trồng mới.
Chủ động ứng phó
Theo Chủ tịch Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thuỷ lợi sông Đáy Trần Đình Cường, để chủ động ứng phó nguy cơ ngập úng cây trồng, đơn vị liên tục đưa ra cảnh báo và đề nghị các xí nghiệp thuỷ lợi trực thuộc tổ chức ứng trực 24/24 giờ để ứng phó kịp thời với mưa lớn.
“Công ty đã huy động các lực lượng khơi thông dòng chảy trên các kênh tiêu, kiểm tra tôn cao bờ vùng, bờ thửa, bờ kênh tiêu đảm bảo tiêu nước nhanh gọn cho các vùng có nguy cơ ngập úng…” – ông Trần Đình Cường thông tin thêm.
Hiện nay, ngành thuỷ lợi cũng đã xây dựng phương án vận hành các trạm bơm tiêu thoát nước tương ứng với các kịch bản về cường độ mưa khác nhau. Trong đó, nếu mưa cao nhất từ 200 – 300m, sẽ vận hành 324 trạm bơm với tổng công suất hơn 4 triệu m3/giờ…
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, hiện nay, đối với diện tích lúa đã đến thời kỳ thu hoạch, Sở đang chỉ đạo, khuyến cáo người dân các địa phương tập trung máy móc thiết bị và nhân lực nhanh chóng thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để hạn chế tối đa thiệt hại do mưa bão số 3 gây ra.
Chỉ đạo các đơn vị thuộc Sở phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường kiểm tra đồng ruộng, bám sát cơ sở, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3 để có biện pháp chủ động ứng phó. Trong đó, chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng lại ngay khi thời tiết thuận lợi
Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, xây dựng phương án phòng, chống ngập úng; xác định những diện tích có nguy cơ ngập úng cao để theo dõi chặt chẽ và kịp thời khoanh vùng tiêu úng nhanh khi mưa lớn xảy ra.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-bao-so-3-de-doa-muc-tieu-nang-suat-cay-trong-vu-mua.html