Trong thời kỳ hậu Covid-19, Việt Nam đã trở thành một trong những điểm đến phổ biến nhất đối với du khách Ấn Độ bởi không khí sôi động, chi phí hợp lý và nhiều điểm tham quan đa dạng trải dài từ lịch sử, thiên nhiên đến những thú vui mua sắm và ẩm thực bất tận.
“Tôi rất thích đến Việt Nam và đã đến vài lần trước đây, chủ yếu là ở phía bắc và phía nam của đất nước, bao gồm thủ đô Hà Nội, Sapa, Vịnh Hạ Long, Ninh Bình và thành phố Hồ Chí Minh. Và lần trở lại Việt Nam này, tôi đã ghé thăm thành phố cảng cổ Hội An và thành phố biển hiện đại Quy Nhơn. Những điểm đến này nổi tiếng là kỳ nghỉ dành riêng cho những người yêu nắng, biển và cát”, tác giả Sandip Hor viết.
Hội An – Điểm đến hội tụ văn hóa
Ẩn mình bên bờ sông Thu Bồn, phố cổ Hội An từng là một khu định cư cảng sông 2000 năm tuổi. Các thương gia từ Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Tư, Nhật Bản và Châu Âu từng đến đây mua bán gia vị, lụa, đồ trang sức và các hàng hóa khác. Một số người đã quyết định ở lại với Hội An và giúp nơi đây trở thành điểm đến hội tụ của nhiều nền văn hóa.
Đã nhiều thế kỷ trôi qua nhưng Hội An vẫn giữ được hầu hết nét cổ xưa. Chính điều đó đã thu hút khách du lịch và truyền cảm hứng cho UNESCO vào năm 1999, tuyên bố đây là Di sản Thế giới.
“Cách tốt nhất để tận hưởng vẻ đẹp của Hội An là đi bộ dọc theo bờ sông và các con hẻm liền kề. Hội An cuốn hút bởi vẻ đẹp cổ kính ngay khi bước ra khỏi khu nghỉ dưỡng. Tôi có cảm giác như đang lang thang trong một viện bảo tàng ngoài trời, nơi có nhiều tòa nhà cổ được xây dựng từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19, phản ánh nét đẹp cổ kính, ảnh hưởng kiến trúc nghệ thuật của người Trung Quốc, Nhật Bản, Bồ Đào Nha và Pháp”, tác giả Sandip Hor nêu cảm nhận khi đến phố cổ Hội An.
Khám phá thánh địa Mỹ Sơn
Trong khi Hội An là trung tâm thương mại mang dấu ấn thời đại Champa thì thánh địa Mỹ Sơn được xem như trung tâm tôn giáo và văn hóa của thời Chăm Pa, nằm cách Hội An khoảng 45km.
Từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 13, Mỹ Sơn đã xây dựng một loạt đền thờ mang ý thức đạo Hindu bởi các thương nhân đến thăm từ Ấn Độ. Theo thời gian, nhiều tác phẩm nghệ thuật đã bị thất lạc do thiên tai và những biến động lịch sử.
Tháp được xây bằng gạch nung màu đỏ sẫm lấy từ đất địa phương, phía trên mở rộng và thon vút hình bông hoa. Mặt bằng tháp đa số là hình vuông có không gian bên trong chật hẹp, thường có cửa duy nhất mở về hướng Đông (hướng mặt trời mọc). Trần được cấu tạo vòm cuốn, trong lòng tháp đặt một bệ thờ thần bằng đá. Nghệ thuật chạm khắc, đẽo gọt công phu hình hoa lá, chim muông, vũ nữ, thần thánh thể hiện trên mặt tường ngoài của tháp.
“Tôi đến thánh địa Mỹ Sơn du ngoạn trong nửa ngày. Với sự giúp đỡ của hướng dẫn viên, tôi đã đi ngang qua những tàn tích của ngôi đền tháp, một số còn nguyên vẹn và một số khác chỉ giữ lại một phần. Gạch màu cam với cột đá được sử dụng để xây dựng. Điều đặc biệt, tòa tháp đều được xây bằng gạch theo một kỹ thuật mà cho đến nay vẫn còn là ẩn số. Người Chăm xưa không dùng chất kết dính, các viên gạch xây dường như chỉ được mài khít, chồng xếp nhưng liền khối vững chắc. Một số tháp đã bị hư hại nặng nề nhưng hiện đã được khôi phục lại vẻ đẹp ban đầu một cách duyên dáng”, tác giả Sandip Hor viết.
Quy Nhơn – điểm đến hấp dẫn nhất ở miền trung Việt Nam
Nằm cách Hội An 300 km về phía Nam, Quy Nhơn hiện là điểm đến hấp dẫn ở miền trung Việt Nam. Không chỉ có bờ biển mà không gian yên bình cũng là điểm đến hấp dẫn đối với du khách.
Đặc biệt, trải nghiệm vô cùng bổ ích khác là hành trình đường sắt kéo dài 6 giờ từ Hội An đến Quy Nhơn bằng tàu hỏa du lịch The Vietage Quy Nhơn – Đà Nẵng, một sự kết hợp du ngoạn giữa lịch sử với thiên nhiên, vẻ đẹp và sự sang trọng.
Đây là một chuyến tàu hạng sang ở Việt Nam, kết nối phố cổ Hội An với những bờ biển thanh bình của Quy Nhơn. Hành trình kéo dài 6 giờ mang lại cho du khách trải nghiệm thú vị trên đường ray.
Chuyến đi trên tàu hỏa du lịch The Vietage Quy Nhơn – Đà Nẵng cung cấp dịch vụ đưa đón khách sang trọng giữa hai khu nghỉ dưỡng Anantara Hội An Resort và Anantara Quy Nhơn Resort.
Tàu hỏa The Vietage khởi hành hàng ngày từ ga Đà Nẵng vào buổi sáng và đến Quy Nhơn vào buổi chiều.
“Cuộc phiêu lưu đường sắt cung cấp dịch vụ sang trọng trong suốt hành trình. Hành trình không chỉ mang đến những khung cảnh nông thôn ngoạn mục của miền trung Việt Nam mà còn là dịch vụ đa dạng với đồ uống đa dạng, đồ ăn nhẹ, bữa trưa 3 món ngon miệng và nhiều lựa chọn khác”, tác giả Sandip Hor nhận định./.