Bão Mocha đổ bộ vào Chủ nhật vừa rồi với sức gió lên tới 195 km/h, làm đổ các cột điện và đập vỡ những chiếc thuyền đánh cá bằng gỗ. Ít nhất 46 người chết tại các làng Bu Ma và một số khu vực gần đó ở bang Rakhine – nơi sinh sống của người thiểu số Hồi giáo Rohingya.
Theo đài truyền hình nhà nước MRTV của Myanmar, 13 người đã thiệt mạng khi một tu viện bị sập tại một ngôi làng ở thị trấn Rathedaung, thuộc thủ phủ Sittwe của bang Rakhine, và một phụ nữ thiệt mạng khi một tòa nhà bị sập ở một ngôi làng lân cận.
Karlo, trưởng làng Bu Ma gần Sittwe, cho biết: “Sẽ có nhiều người chết hơn, vì hơn một trăm người đang mất tích”. Gần đó, Aa Bul Hu Son, 66 tuổi, cầu nguyện trước mộ của con gái, người được tìm thấy vào sáng thứ Ba.
Nhiều cư dân ở khu vực này đang phải đi bộ trên bờ biển để tìm kiếm các thành viên trong gia đình bị cuốn trôi bởi cơn bão kèm theo lốc xoáy này. Chín người đã chết trong trại tị nạn Dapaing dành cho người Rohingya gần Sittwe. “Mọi người không thể đến trại vì cầu bị gãy… chúng tôi cần giúp đỡ”, một quan chức tại trại cho biết.
Mocha là cơn cuồng phong lớn nhất tấn công khu vực này trong hơn một thập kỷ, phá hủy các ngôi làng, làm bật gốc cây cối và cắt đứt thông tin liên lạc trên phần lớn bang Rakhine.
Trung Quốc cho biết họ “sẵn sàng cung cấp các khoản cứu trợ thiên tai khẩn cấp”, theo một tuyên bố trên trang Facebook của đại sứ quán nước này tại Myanmar.
Văn phòng tị nạn của Liên hợp quốc cho biết họ đang điều tra các báo cáo rằng những người Rohingya sống trong các trại tị nạn đã thiệt mạng bởi cơn bão.
Ở nước láng giềng Bangladesh, các quan chức nói rằng không có ai thiệt mạng trong cơn bão đi qua gần các trại tị nạn rộng lớn, nơi có gần hàng triệu người Rohingya chạy tị nạn sang đây từ năm 2017.
Bão kèm lốc xoáy là mối đe dọa thường xuyên trên bờ biển phía Bắc Ấn Độ Dương, nơi có hàng chục triệu người sinh sống. Tổ chức phi lợi nhuận ClimateAnalytics cho biết, nhiệt độ tăng có thể đã góp phần vào cường độ của bão Mocha.
Peter Pfleiderer của tổ chức này cho biết: “Chúng ta có thể thấy nhiệt độ bề mặt nước biển ở Vịnh Bengal đã cao hơn đáng kể so với 20 năm trước. Các đại dương ấm hơn cho phép các cơn bão tập trung sức mạnh một cách nhanh chóng và điều này gây ra những hậu quả tàn khốc đối với con người”.
Các bức ảnh do truyền thông nhà nước Myanmar công bố cho thấy hàng viện trợ đến Rakhine được chất lên một con tàu ở thành phố lớn nhất đất nước Yangon. Tuy nhiên, dân làng Rohingya nói rằng họ vẫn chưa nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào.
Kyaw Swar Win, 38 tuổi, từ làng Basara, nói: “Không chính phủ nào, không tổ chức nào đến làng của chúng tôi. Chúng tôi đã không ăn gì trong hai ngày… Chúng tôi không có gì và tất cả những gì tôi có thể nói là thậm chí không có ai đến thăm hỏi”.
Bùi Huy (theo AFP, AP, CNA)