Tham dự Lễ kỷ niệm có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà; các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ LĐ-TBXH, lãnh đạo Cục báo chí Bộ Thông tin và Truyền thông cùng lãnh đạo một số cơ quan báo chí; lãnh đạo các Cục, Vụ của Bộ và cán bộ, phóng viên của Báo qua các thời kỳ – những người đã góp phần vào sự phát triển đi lên của báo trong suốt 30 năm qua.
Phát biểu tại buổi Lễ, điểm lại những dấu mốc quan trọng trong lịch sử 30 thành lập Báo, Phó Tổng Biên tập Nguyễn Thu Hằng cho biết, vào ngày này 30 năm trước, ngày 25/8/1993, báo chí Cách mạng Việt nam chứng kiến sự kiện quan trọng, Báo Lao động và Xã hội ra mắt bạn đọc cả nước. Tờ báo của ngành LĐ-TB&XH ngay khi ra đời đã hòa chung trong công cuộc đổi mới đất nước, đổi mới sự nghiệp báo chí Việt Nam.
Báo LĐXH ra đời ở thời điểm ngành có nhiều việc phải làm, phải đổi mới như: Công tác xóa đói giảm nghèo, thương binh liệt sĩ, người có công, bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội, lao động việc làm, đào tạo nghề, phòng chống tệ nạn xã hội… Thời kỳ này việc truyền thông chính sách pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của ngành… đặt ra hết sức cấp bách.
Trải qua nhiều khó khăn những ngày đầu thành lập, báo đã nhanh chóng định hình các trang báo và chuyên mục về lao động, việc làm, dạy nghề, người có công… mang bản sắc của tờ báo ngành LĐ-TB&XH.
Với chức năng là cơ quan ngôn luận của Bộ làm chính sách, Báo Lao động và Xã hội là tờ báo đầu tiên thành lập “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” và khởi xướng phong trào phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Đồng thời với việc khởi xướng, cổ vũ, động viên phong trào, Báo đã trực tiếp nhận phụng dưỡng 2 bà mẹ VNAH ở Quảng Nam và tích cực tham gia phong trào đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ xây nhà tình nghĩa tặng các đối tượng chính sách, cũng là tờ báo đầu tiên vận động quyên góp tivi tặng bộ đội Trường Sa vào năm 1994 ngay sau chuyến thăm Trường Sa của Thứ trưởng, Tổng Biên tập Trịnh Tố Tâm… Đây cũng là những dấu ấn không thể nào quên với Báo Lao động và Xã hội.
Từ chỗ báo in tại miền Nam, phát hành 2 tuần 1 kỳ, báo tăng lên mỗi tuần 1 kỳ, rồi 1 tuần 2 kỳ, đến năm thứ hai, ngày 31/8/1995 với chủ trương không ngừng cải tiến nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin, báo đã đổi mới toàn diện nội dung và hình thức, ra mắt bạn đọc bộ mới và tăng lên 1 tuần 3 kỳ. Đến nay, Báo Lao động và Xã hội đã có Báo điện tử Dân sinh (với tên miền baodansinh.vn) và ấn phẩm Vì trẻ em, đã góp thêm một kênh thông tin về lĩnh vực an sinh xã hội. Thông tin ngày càng nhanh, đầy đủ hơn, mang phong cách báo chí hiện đại, tay nghề của đội ngũ làm báo ngày càng vững vàng.
“Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Ban cán sự và Đảng ủy Bộ, Báo Lao động và Xã hội chuyển bước mới, quyết tâm bứt phá, thay đổi cơ bản bằng việc xây dựng phong cách làm báo hiện đại, khẳng định là tờ báo mạnh về lĩnh vực lao động, việc làm, người có công và an sinh xã hội. Đã có hàng hàng trăm nghìn bài viết xuất bản trên báo in và báo điện tử, chủ động sáng tạo, thông tin có chất và đúng tôn chỉ mục đích.
Những năm qua, Báo đã có nhiều thay đổi, củng cố cơ bản, mạnh mẽ về quy trình làm báo, về tổ chức cán bộ. Báo bám sát tôn chỉ mục đích, nâng cao chất lượng nội dung, nâng cao tính thời sự, tính chuyên sâu và tính hấp dẫn; sức mạnh tập thể được phát huy.
Ghi nhận những nỗ lực, phấn đấu và ngày càng ghi dấu của Báo trong dòng chảy báo chí, phát biểu tại Lễ kỷ niệm, thay mặt Lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà biểu dương những kết quả mà Báo Lao động và Xã hội đã đạt được trong 30 năm qua, đồng thời khẳng định, Báo Lao động và Xã hội luôn thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, là một tờ báo uy tín cung cấp thông tin thường xuyên, cơ bản đầy đủ và kịp thời các hoạt động của Bộ. Đặc biệt, đây là tờ báo mạnh về lĩnh vực lao động, việc làm, người có công và an sinh xã hội.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, lãnh đạo bộ LĐ-TB&XH mong muốn các đồng chí lãnh đạo, mỗi nhà báo, phóng viên, biên tập viên của Báo phải phấn đấu trở thành những chuyên gia hiểu biết sâu về từng lĩnh vực được giao, không ngừng rèn luyện phẩm chất, bản lĩnh chính trị, tâm huyết gắn bó với nghề và sự nhạy cảm, sắc sảo, tinh tế trong phát hiện và xử lý vấn đề. Đồng thời, cũng cần nghiên cứu những bước đi phù hợp, đáp ứng yêu cầu trong thời đại công nghệ và truyền thông số.
“Tôi tin tưởng rằng với kinh nghiệm 30 năm xây dựng và phát triển, Báo Lao động và Xã hội sẽ tiếp tục đi lên, không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, có thêm nhiều chuyên trang, chuyên mục mới bổ ích, hấp dẫn bạn đọc trong và ngoài ngành; tạo điều kiện để các độc giả cùng tham gia tích cực vào sự nghiệp lao động, người có công và xã hội, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Ngành LĐTBXH” – Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
Tới chúc mừng và chung vui với Báo, các đại biểu đã được nghe các ý kiến phát biểu của nguyên Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc Niên, người gần như gắn bó cả một thời thanh xuân nhiệt huyết cho sự phát triển tờ báo. Nhiều kỷ vật cho sự ra đời của Báo Lao động và Xã hội ông vẫn còn lưu giữ. Câu chuyện về những ngày đầu thành lập báo gian khổ được ông chia sẻ trong không khí tràn ngập kỷ niệm của đông đảo khách mời đến dự. Ông cho biết: Thương hiệu tờ báo được lựa chọn mang tên Lao động và Xã hội cũng đầy ý nghĩa, cái tên này chuyển tải được hết thông điệp về một tờ báo là cơ quan ngôn luận của Bộ LĐ-TB&XH.
“Tôi là độc giả thường xuyên của Báo và tham gia viết bài cho báo. Chính vì vậy, trong 30 năm qua, tôi nhận thấy Báo đã có rất nhiều nỗ lực đưa tin về lĩnh vực Thanh tra nói riêng và các lĩnh vực khác của Bộ nói chung. Đối với lĩnh vực Thanh tra, báo đã tuyên truyền rất tốt, là kênh định hướng dư luận, nắm bắt thông tin từ dư luận, giúp Thanh tra Bộ tham mưu cho lãnh đạo Bộ để xử lý các tình huống cụ thể phát sinh. Ngoài ra, báo đã giúp Thanh tra Bộ rất nhiều trong việc công khai các hoạt động của cơ quan thanh tra, công khai các vấn đề mà dư luận đang phản ánh, từ đó tạo được niềm tin, phấn khởi trong nhân dân, góp phần giúp Thanh tra Bộ hoàn thành nhiệm vụ được giao” – Ông Nguyễn Tiến Tùng – Chánh Thanh tra Bộ khẳng định.
Tại Lễ kỷ niệm, đại diện các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên và người lao động Báo nhiều thế hệ đã chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc trong suốt 30 qua dù gắn bó hay chỉ đi chung với báo một chặng đường, nhưng nơi đây luôn là ngôi nhà chung cho những ai đã từng sống và làm việc.
Trong suốt 30 năm qua, Báo Lao động và Xã hội đã làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, phản ánh đúng và trúng nhiều vấn đề, kể cả những nội dung nóng, gai góc của cuộc sống. Tờ báo đã thực sự vươn lên, có uy tín, có chỗ đứng xứng đáng trong làng báo chí cách mạng Việt Nam, được đông đảo bạn đọc ghi nhận.
Tiếp nối thành tựu 30 năm qua, nhớ lại những bước đường đã đi qua, mỗi người đều luôn tự nhủ, khó khăn thử thách đã rèn luyện nên bản lĩnh và phẩm chất của người làm Báo Lao động và Xã hội. Nhiều người đã trưởng thành từ ngôi nhà Lao động và Xã hội, tự tin vững bước trong hoạt động nghề nghiệp và trong cuộc sống.
Tại Lễ kỷ niệm nhiều xúc động này, lãnh đạo Báo cùng toàn thể cán bộ, phóng viên đều quyết tâm xây dựng tập thể đoàn kết, vững mạnh, tinh thông nghề nghiệp, đưa Báo Lao động và Xã hội không ngừng vươn lên, xứng tầm cơ quan truyền thông mạnh của Bộ LĐ-TB&XH.
Thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục thực hiện bước 2 quy hoạch sắp xếp lại các cơ quan báo chí của Bộ, Báo Lao động và Xã hội có thể sẽ tiếp tục có những sự thay đổi lớn về cơ cấu tổ chức và nhân sự. Nhưng toàn thể cán bộ phóng viên của Báo đều ý thức được rằng, dù trong hoàn cảnh nào, mỗi người đều luôn luôn thực hiện đúng chức phận của mình, là những người làm báo chân chính, luôn trau dồi đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ chuyên môn để đạt được 6 chữ của nghề báo mà nhà báo lão thành Hữu Thọ đã nêu: “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”! – Phó TBT Nguyễn Thu Hằng cho biết.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã quyết định trao Bằng khen cho Báo Lao động và Xã hội vì đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển của Báo; Trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng cho 6 phòng, ban thuộc Báo; Trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng cho 19 cá nhân; 5 tập thể và 10 cá nhân; Trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp LĐ-TB&XH cho 11 cá nhân.