ANTD.VN – Thị trường bảo hiểm nhân thọ dù vẫn còn nhiều khó khăn song đã thu hẹp đà suy giảm doanh thu so với các tháng đầu năm.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm 11 tháng đầu năm ước đạt 204,109 nghìn tỷ đồng, tăng 6,63% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ vẫn giữ nhịp tăng trưởng tích cực với doanh thu ước đạt 71,905 nghìn tỷ đồng, tăng 13,02%. Ngược lại, bảo hiểm nhân thọ vẫn còn gặp khó khăn khi doanh thu giảm khoảng 5,5% so với cùng kỳ, ước đạt 132,204 nghìn tỷ đồng.
Thị trường bảo hiểm nhân thọ đã bớt khó khăn hơn |
Dù lũy kế 11 tháng vẫn chứng kiến sự sụt giảm, song mức giảm này đã thu hẹp so với các tháng trước đó cho thấy phần nào doanh thu khai thác mới bảo hiểm nhân thọ đã phục hồi. Trước đó, số liệu 6 tháng đầu năm do Bộ Tài chính công bố cho thấy doanh thu phí của lĩnh vực bảo hiểm này sụt giảm tới 9,8% so với cùng kỳ.
Còn theo dữ liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong quý 3-2024, doanh thu khai thác mới khối bảo hiểm nhân thọ đã đạt hơn 5.934 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2023 (5.874 tỷ đồng). Đây là lần đầu tiên doanh thu phí bảo hiểm đã quay lại tăng trưởng dương sau 5 quý tăng trưởng âm liên tục trước đó.
Về chi trả quyền lợi bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, ước đạt 86,368 nghìn tỷ đồng, tăng 17,13% so với cùng kỳ năm 2023; tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 838,319 nghìn tỷ đồng, tăng 12,58%.
Tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 986,586 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7%; tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm đạt 664,396 nghìn tỷ đồng, tăng 13,46% so với cùng kỳ năm trước.
Thực tế, sau giai đoạn tăng trưởng nóng, khoảng 2 năm trở lại đây, ngành bảo hiểm nhân thọ đối diện với rất nhiều khó khăn. Sau lùm xùm ngân hàng ép khách mua bảo hiểm, cơ quan quản lý đã ban hành nhiều quy định siết chặt đối với hoạt động này.
Trong đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm (hiệu lực từ đầu 2023) và Thông tư 67 đưa ra chính sách chặt chẽ hơn, chú trọng bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Các ngân hàng bị cấm bán bảo hiểm liên kết đầu tư trước và sau giải ngân 60 ngày. Đồng thời, tư vấn viên phải ghi âm, ghi hình quá trình tư vấn…
Ngân hàng Nhà nước cũng đang dự thảo Nghị định 88 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Theo đó, các nhà băng gắn sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng có thể bị phạt tiền từ 400-500 triệu đồng.
Cùng với đó, các hoạt động thanh tra, kiểm tra được tiến hành đồng bộ. Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đều công bố các đường dây nóng, sẵn sàng tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân về việc bị ngân hàng “ép” mua bảo hiểm.
Hiện, thị trường bảo hiểm có 85 doanh nghiệp kinh doanh, trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 02 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 32 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; và 01 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Nguồn: https://www.anninhthudo.vn/bao-hiem-nhan-tho-da-bot-kho-doanh-thu-dan-phuc-hoi-post597465.antd