Tuy nhiên, muốn tự tin theo đuổi ngành này đòi hỏi người học phải có đủ hiểu biết và đam mê về nó.
Ngành bảo hiểm gắn liền với ngành kinh tế
Trong cuộc sống hiện nay, ở bất cứ nơi đâu và trong hoàn cảnh nào, con người có thể phải đối mặt với sự rủi ro. Ngành bảo hiểm ra đời trong nền kinh tế hội nhập, có sứ mệnh chăm lo và bảo đảm an toàn nhất cho con người về thể chất và tinh thần.
Cùng với đó, bảo hiểm giúp thực hiện những chính sách vĩ mô về ổn định kinh tế, khả năng kiềm chế lạm phát, cân đối nền kinh tế trong thời đại hội nhập; góp phần to lớn trong việc bổ sung nguồn vốn đầu tư dài hạn, tiết kiệm được các chi phí về đầu tư.
Tại các trường đại học, học viện, chương trình đào tạo ngành bảo hiểm trang bị cho sinh viên những kiến thức toàn diện về bảo hiểm, bao gồm cả lĩnh vực bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thương mại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế, giúp nắm chắc các lý luận cơ bản về bảo hiểm; hiểu rõ chính sách và các quy định của Nhà nước về bảo hiểm xã hội (bao gồm cả bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế), quy trình tham gia bảo hiểm xã hội, nghiệp vụ thu bảo hiểm xã hội, giải quyết và tổ chức chi trả bảo hiểm xã hội…
Khi học ngành bảo hiểm, người học không chỉ được trang bị kiến thức về ngành bảo hiểm, nghiệp vụ bảo hiểm mà còn được tham gia các chương trình học thuật, các chương trình hội thảo khoa học, báo cáo chuyên đề về các lĩnh vực gắn liền với chuyên ngành bảo hiểm.
“Hoạt động bảo hiểm đóng vai trò tích cực trong nền kinh tế, đây là một lá chắn kinh tế trước những rủi ro; có chức năng bảo vệ và ổn định cuộc sống gia đình”, PGS.TS Đoàn Minh Phụng – Trưởng khoa Ngân hàng – Bảo hiểm, Học viện Tài chính chia sẻ.
Còn Ths Nguyễn Tiến Hùng – Giám đốc chương trình đào tạo ngành Bảo hiểm, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành bảo hiểm thuộc về khối ngành kinh tế, nên sinh viên khi theo học ngành này tại Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh sẽ được trang bị những kiến thức chung của ngành kinh tế, sau đó là kiến thức ngành và kiến thức chuyên ngành về bảo hiểm.
Ngoài 2 đơn vị trên, một số cơ sở đào tạo cả nước có tuyển sinh ngành bảo hiểm như: Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Lao động xã hội, Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật công nghiệp (Hà Nội)…
Cũng như các ngành khác, phương thức tuyển sinh ngành bảo hiểm khá đa dạng, như: tuyển thẳng, tuyển học sinh giỏi, điểm thi tốt nghiệp THPT, học bạ, chứng chỉ quốc tế, điểm thi đánh giá năng lực… Nếu thông qua điểm thi tốt nghiệp THPT, tổ hợp xét tuyển vào nhóm ngành bảo hiểm là: A00 (toán, lý, hóa); A01 (toán, lý, tiếng Anh); D01 (toán, văn, tiếng Anh) và D07 (toán, hóa, tiếng Anh). Điểm chuẩn ngành bảo hiểm dao động từ 20 – 26 điểm tùy thuộc vào từng trường, tổ hợp hay các mùa tuyển sinh.
Nhiều bến đỗ cho sinh viên ngành bảo hiểm
Hiện nhiều người vẫn chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò cũng như các sản phẩm bảo hiểm. Có người cho rằng, học bảo hiểm ra chỉ làm nhân viên tư vấn và bán bảo hiểm; thậm chí, sản phẩm bảo hiểm bị coi là lừa đảo. Sự sa sút lòng tin của người dân đối với bảo hiểm cũng là trở ngại cho công tác tuyển sinh, đào tạo ngành này.
Vậy, thực tế học ngành bảo hiểm ra sẽ làm được công việc gì, ở đâu? Câu trả lời là, với những kiến thức được trang bị, sinh viên chuyên ngành bảo hiểm ra trường có rất nhiều bến đỗ và lựa chọn.
Sinh viên ra trường có thể đảm nhận nhiều vị trí tại các công ty bảo hiểm (nhân viên kinh doanh, nhân viên kế toán, nhân viên đầu tư, nhân viên nghiên cứu phát triển sản phẩm, nhân viên quản lý, đại lý hay nhân viên cung cấp các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm); tại các ngân hàng thương mại (nhân viên kinh doanh, phát triển mạng lưới và quản lý hỗ trợ đại lý); tại các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trường đại học…
Ngoài DN bảo hiểm, hầu hết các DN khác cũng rất cần nhân sự chuyên ngành bảo hiểm trong hoạt động phụ trợ, dịch vụ bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, giám định độc lập… Do vậy, làm việc ở vị trí nào là phụ thuộc vào năng lực, sở thích, sở trường và cơ hội của từng sinh viên cũng như sự phân công từ phía cơ quan, DN.
Thông thường, mức lương thử việc ban đầu của sinh viên tốt nghiệp ngành bảo hiểm ở mức từ 6 – 7 triệu đồng/tháng. Thu nhập sẽ gồm lương, thưởng, công tác phí, cơm trưa và một số phúc lợi khác. Khi được ký hợp đồng chính thức thì lương bình quân khoảng trên dưới 15 triệu đồng/tháng.
Sinh viên mới được tuyển dụng vào DN hoặc sinh viên năm 3, năm 4 muốn đi làm để có thêm kiến thức về ngành thường sẽ vào vị trí tư vấn bảo hiểm để bắt đầu làm quen và tìm hiểu, tích lũy kinh nghiệm về các sản phẩm bảo hiểm của công ty.
Nhiều nhân sự có kinh nghiệm làm việc ở ngành bảo hiểm cho rằng, khi đi tư vấn bảo hiểm, người trẻ dễ bị gắn mác là học đại học xong chỉ bán bảo hiểm nhưng các em cần coi đó là cơ hội để học hỏi và có cho mình nhiều trải nghiệm tốt.
Nếu không thích làm lĩnh vực tư vấn, sau khi có kinh nghiệm, các em có thể chủ động tìm kiếm cơ hội khác nhưng luôn nhớ, cần tận dụng thời gian và học mọi lúc, mọi nơi.
Trong thời gian thực tập hay vừa học vừa làm tại đơn vị liên quan đến ngành bảo hiểm, sinh viên có thể xác định định hướng, lộ trình phát triển của bản thân xem mình có thực sự yêu thích ngành bảo hiểm không, năng lực của bản thân đến đâu; từ đó quyết định hướng đi đúng cho tương lai nghề nghiệp của mình.
Với ngành bảo hiểm, các chuyên gia luôn lạc quan cho rằng, cơ hội việc làm ngành bảo hiểm luôn rất lớn; tuy nhiên, để làm tốt và làm có thu nhập cao thì phụ thuộc vào năng lực của nhân sự. Ngoài học tốt chuyên ngành, sinh viên cần không ngừng học hỏi kỹ năng, trau dồi, phát triển khả năng về tin học, ngoại ngữ để cơ hội việc làm của mình được tốt hơn.
Ngành bảo hiểm rất rộng, cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ thuộc nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy các sinh viên đã, đang và chuẩn bị theo học ngành bảo hiểm an tâm lựa chọn, không lo lỗi thời vì nhân sự, nhất là nhân sự chất lượng cao ngành bảo hiểm hiện tại vẫn thiếu hụt nhiều so với nhu cầu thực tế…
Giám đốc công ty thành viên của Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV Nguyễn Văn Hùng
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/bao-hiem-nganh-khong-loi-thoi.html