Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao ý nghĩa của việc sửa đổi Luật Báo chí nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về báo chí, đặc biệt là định hướng của Đại hội XIII của Đảng về “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” và quy định của Hiến pháp năm 2013.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí sẽ góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, luật hóa những vấn đề đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm; rà soát, xác định rõ những nội dung, phạm vi vấn đề cần sửa đổi, bổ sung để khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí gồm 2 điều và 27 khoản. Để phục vụ việc sửa đổi, bổ sung Luật, đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện việc tổng kết thi hành Luật Báo chí năm 2016 từ các địa phương và bộ, ngành; tổ chức hoạt động phục vụ cho việc nghiên cứu lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí; tổ chức hội thảo với các chuyên gia về các nội dung lớn, quan trọng của Luật.
Đồng thời, Bộ đã đăng tải hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến góp ý theo quy định. Cùng với đó là lấy ý kiến các địa phương, các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí; tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của các cơ quan tổ chức…
Tại hội nghị, các đại biểu đã có nhiều đóng góp làm rõ thêm các nội dung liên quan đến việc sáp nhập các cơ quan báo chí, quy hoạch phát triển và quản lý báo chí; việc cấp thẻ nhà báo; quy định về thời gian trả lời của các cơ quan chức năng, các đơn vị, doanh nghiệp… với các yêu cầu cung cấp thông tin từ các cơ quan báo chí…