Muốn siết xe cá nhân, phải tăng giao thông công cộng
Bên cạnh việc tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng, Chính phủ yêu cầu các đơn vị liên quan phải nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Cụ thể, Bộ GTVT cần nhanh chóng xây dựng chiến lược tổng thể phát triển các ngành dịch vụ; đẩy mạnh cơ cấu lại dịch vụ vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, thúc đẩy tăng thị phần vận tải hàng không, đường sắt và đường thủy nội địa dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số; Phối hợp với các địa phương trong công tác quản lý, phát triển giao thông đô thị hướng tới văn minh, hiện đại, thân thiện môi trường, lấy giao thông công cộng (GTCC) làm nền tảng; xây dựng hoàn thiện các tuyến vận tải hành khách khối lượng lớn tại các đô thị loại 1. Đặc biệt, cần chú trọng đẩy nhanh hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị tại thủ đô Hà Nội và TP.HCM; tổ chức giao thông theo hướng khuyến khích nâng cao tỷ lệ vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) phù hợp với điều kiện của từng địa phương; có lộ trình tăng tỷ lệ sử dụng, tiến tới sử dụng chủ yếu các phương tiện thân thiện môi trường.
“Các địa phương cần ưu tiên đầu tư VTHKCC, nhất là loại hình lưu lượng lớn. Người dân được khuyến khích chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông xanh gắn với lộ trình hạn chế dần phương tiện cá nhân tại đô thị lớn. Các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM cần đảm bảo tiến độ. Tuyến giao thông kết nối với đường sắt đô thị, buýt nhanh (BRT) cần được xây dựng. Mạng lưới xe buýt hoàn thiện, trong đó có xe nhỏ phù hợp với điểm trung chuyển, đầu mối giao thông, kết nối đường sắt đô thị…”, theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới.
Theo đề án “Tăng cường VTHKCC kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP” đã được UBND TP phê duyệt, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025, GTCC sẽ đáp ứng được 15% nhu cầu đi lại người dân, đến năm 2030 là 25%. Từ nay đến năm 2025, TP dự kiến sẽ thí điểm khu vực hạn chế xe máy ở một số tuyến đường trung tâm trong giờ cao điểm. Đến năm 2030 ngưng hoạt động xe máy tại các khu vực thường xuyên ùn tắc.
Lãnh đạo Sở GTVT TP xác định trước khi tiến hành thực hiện các nhóm giải pháp siết xe cá nhân, đầu tiên phải nâng cao năng lực của hệ thống GTCC. Vì thế, trong năm 2022 đã tập trung ổn định tình hình hoạt động hệ thống xe buýt, tiếp tục đấu thầu khai thác tuyến với các tiêu chí hướng đến chất lượng dịch vụ tốt hơn; định kỳ tổ chức đánh giá chất lượng dịch vụ xe buýt; triển khai đa dạng các loại hình xe buýt mới như xe buýt điện, buýt sông, buýt phục vụ khách du lịch…
Tại Hà Nội, hồi tháng 6 UBND TP cũng đã ban hành quyết định phê duyệt đề án “Phát triển kinh tế đô thị TP.Hà Nội” từ năm 2025, tầm nhìn 2030, trong đó giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan lập đề án “phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống VTHKCC, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”. Ngoài ra, đề án “thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào” cũng được giao các đơn vị liên quan thực hiện trong giai đoạn 2025 – 2030, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch trước đây. Một phần nguyên nhân nhờ tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã được đưa vào khai thác, hỗ trợ năng lực vận chuyển hành khách của hệ thống GTCC.
Bắt đầu kiểm soát từ khí thải
Chị Bảo Ngọc (ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) đang rất trông chờ tuyến tàu điện đầu tiên nhanh chóng đưa vào khai thác để hằng ngày có thể đi làm bằng tàu metro. Quãng đường từ nhà (khu chung cư Masteri, P.Thảo Điền) đến cơ quan ở Q.4 gần 7 km, hiện mỗi ngày chị đi xe máy mất khoảng 30 phút, nếu kẹt xe có khi mất tới 40 – 50 phút. Vì nhà nằm ngay trước ga metro Thảo Điền nên chị Ngọc tính toán sẽ đi metro tới ga Bến Thành mất khoảng hơn 10 phút, rồi từ đó đi bộ đến cơ quan ở Q.4. “Tôi rất thích đi bộ như một cách tập thể dục nên quãng đường gần 2 km từ ga Bến Thành tới cơ quan không vấn đề gì. Đi metro như vậy vừa đỡ kẹt xe, vừa văn minh, vừa phục vụ sở thích đi bộ. Chưa kể tiền vé metro theo thông tin TP đang dự kiến thì cũng chỉ bằng tiền gửi xe hằng ngày nên nếu có metro, chắc chắn tôi sẽ không đi làm bằng xe máy”, chị Bảo Ngọc nói.
Giống như chị Ngọc, nhiều nhân viên văn phòng tại TP.HCM cũng đã bắt đầu tải ứng dụng xe buýt của TP.HCM về để tính toán hướng đi, cách di chuyển kết hợp giữa xe buýt và metro. Theo tính toán của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), tuyến metro số 1 sau khi hoàn thành đồng bộ cùng mạng lưới xe buýt gom và các hạ tầng kết nối như cầu bộ hành thì mỗi ngày có thể chuyên chở 110.000 hành khách, phần nào giảm áp lực cho hạ tầng giao thông TP.HCM. Vì thế, mạng lưới metro được bổ sung thêm những tuyến mới với mật độ dày đặc hơn, đi sâu hơn tới nhiều khu vực đang được TP.HCM quyết liệt xin cơ chế đặc thù để sớm hoàn thiện.
Tuy nhiên, TP.HCM không chờ đến khi hệ thống GTCC hoàn thiện mới tính tới hạn chế xe cá nhân. Kiểm soát khí thải sẽ là bước đi đầu tiên trong lộ trình kiểm soát mô tô, xe gắn máy trên địa bàn TP. Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ kiểm soát từ khu vực trung tâm rồi mới tiến tới toàn thành, áp dụng với xe từ 5 năm sử dụng trở lên (giai đoạn từ nay đến 2025) rồi tiến tới kiểm soát khí thải tất cả các phương tiện (sau 2025). Mục tiêu đến giai đoạn 2026 – 2030 là tiếp tục nâng mức giới hạn tiêu chuẩn khí thải, mở rộng phân vùng cần bảo vệ nghiêm ngặt về môi trường nhằm điều chỉnh lưu thông của xe máy, tiến tới ngưng hoàn toàn hoạt động của phương tiện cá nhân ở các quận trung tâm khi hệ thống VTHKCC và các điều kiện tiếp cận đã đáp ứng.
Đáng chú ý, TP.HCM dự kiến sẽ ban hành đề án hỗ trợ người dân đổi xe máy điện vào quý 4 năm nay và triển khai thực hiện vào quý 1/2024. Trong đó, sẽ có những chính sách ưu tiên hỗ trợ người dân đổi xe máy cũ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện mới là xe điện, phương tiện sử dụng nguyên liệu sạch. Chính sách được xây dựng theo từng mức độ: khuyến khích, hỗ trợ và ưu đãi.
“Nghị quyết 98 cho phép TP.HCM xây dựng các cơ chế liên quan đến vấn đề kiểm soát khí thải, thực hiện chuyển đổi phương tiện cơ giới từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh. Quốc hội đã cho phép TP thí điểm, trình HĐND ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích thu mua phương tiện cũ, kết hợp với việc nâng cao chuyển đổi sử dụng giao thông cá nhân sang GTCC. Đây là chương trình lớn, rất quan trọng. Các biện pháp kéo – đẩy sẽ được TP triển khai đồng bộ nhịp nhàng và hiệu quả để phục vụ cho việc đi lại của người dân TP được thuận lợi hơn, nhanh chóng hơn, hiện đại hơn”, lãnh đạo Sở GTVT TP khẳng định.
Cùng với tiến độ nước rút về đích của tuyến metro số 1 (tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên), TP cũng đang hoàn thiện đề án tái cấu trúc xe buýt, hình thành mạng lưới xe buýt với tổng cộng gần 50 tuyến đi sâu vào các khu dân cư, làng đại học, khu công nghiệp, khu công nghệ cao… để gom khách, kỳ vọng sẽ nâng lượng khách sử dụng tuyến metro số 1 thêm 60% trong giai đoạn đầu đi vào hoạt động.
Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM