Gần 3h sáng ở dãy ghế trước quầy lấy số thứ tự, bà Mười Lộc (59 tuổi, quê Châu Thành, Đồng Tháp) điền phiếu thông tin rồi ngồi chờ. Bị bướu cổ 20 năm, bà kể: “Mấy lần trước con đi với tôi, giờ tôi nói để mẹ tự đi. Tôi đi xe đêm hay chở rau củ bỏ mối và chở người bệnh từ Đồng Tháp lên TP khám”.
Tới lui khám bệnh mất hai ngày trời
Theo bà Mười Lộc, nếu khám sớm, đến trưa xong là bà về quê luôn. Nếu siêu âm chờ kết quả muộn, bà phải đợi tới chiều.
Trường hợp hẹn buổi chiều siêu âm, bà sẽ ra phòng khám bên ngoài siêu âm rồi đem kết quả vào. Dù tính toán kỹ thời gian nhưng có lần bà phải thuê nhà nghỉ để ngủ, sáng hôm sau khám tiếp.
Khi câu chuyện đã vãn, bà nhắm mắt lại cho đỡ mệt chứ không tìm chỗ nằm vì sợ mất chỗ chờ. Sáng, bà không ăn gì vì phía bệnh viện sẽ cho thử máu xét nghiệm, bà sợ ảnh hưởng kết quả.
Bà thiệt thà: “Tôi lên lầu 3 thử máu ở trển, lên tới muốn xỉu luôn. Tới cỡ 10h sáng chịu không nổi mới ra đường đi dài dài kiếm quán. Cơm nước xong lật đật vô lại bệnh viện chờ tới giờ khám”.
Chừng 3h khuya, cầm cuốn sổ khám màu vàng dày cui với chẩn đoán suy giáp, bà Trần Thị Mai (60 tuổi, quê Cao Lãnh, Đồng Tháp) cho biết sau khi tái khám ở đây sẽ tranh thủ qua Bệnh viện Bình Dân để khám ruột, có thể phải ngủ lại để bữa sau nội soi đường ruột. “Không khám kịp thì tôi có đem theo quần áo ngủ đêm. Nếu thấy ngủ bụi được thì ngủ bụi”, bà nói.
Bà Mai chọn khám trong giờ hành chính chứ không khám dịch vụ, đỡ được cỡ 150.000 đồng. “Chứ về nhà làm gì lòi ra được chừng đó tiền. Không biết chữ, đâu ai kêu gì”, bà trải lòng.
Nói rồi, bà soạn bọc ni lông có hai hộp cơm còn nóng nấu ở nhà lúc tối, phía trên để chừng hai muỗng cá khô cơm lèn chặt. Tháng được con gái cho 1 triệu đồng, bà tiết kiệm thấy mà thương!
Không khám kịp thì tôi có đem theo quần áo ngủ đêm. Nếu thấy ngủ bụi được thì ngủ bụi.
Bà TRẦN THỊ MAI
“Cò” lảng vảng hứa khám sớm
Vừa dừng cổng Bệnh viện Chợ Rẫy mua chai nước suối, người bán đon đả với chúng tôi: “Đi khám hả. Chờ lấy số lâu lắm, chị có mối lấy số giùm, tốn 200.000 đồng thôi”.
Sau đó, người đàn ông cỡ ngoài 50 tuổi bước tới, đưa danh thiếp và cho biết tên Thủy, hỏi khám bệnh gì. Người này nói chỉ cần đưa căn cước để chụp lại, 6h sáng gọi điện cho người này là có số nhỏ để khám.
Còn muốn số vô khám liền là 300.000 đồng, “khỏi chờ khỏi đợi gì hết, vô đầu tiên luôn”. Lát sau, người này lại nói đưa căn cước để mình vào lấy số rồi ra trả lại, không cần đưa tiền liền.
Khi chúng tôi hỏi chắc chắn có số sớm không, ông nói: “Được chứ. Muốn số từ 1 tới 10 phải không, có luôn” và hối đưa thẻ căn cước. “Đưa nhanh chứ chút tôi đi rồi, không có ở đây nữa đâu mà giúp”, nhưng thật ra nửa tiếng sau vẫn thấy người này đậu xe máy trước cổng bệnh viện.
Ở cổng Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, khuya khoắt nhưng khi thấy chúng tôi, một phụ nữ trung niên xưng tên Lan bước tới. Người này hỏi: “Em khám gì? Để chị gửi vô cho, số mười mấy à. Đúng 5h15 là đưa vô phòng khám. Nếu mà gửi thì đưa thẻ căn cước, điền tên tuổi địa chỉ đầy đủ vô tờ giấy thông tin này, rồi chị sẽ có số chị bấm cho em”.
Thấy “con mồi” còn thắc mắc, người này chốt: “Em muốn khám trước người ta thì em phải gửi, khám sáng có kết quả về sớm. Khám xong xuống mới trả tiền cho chị chứ chị đâu có gạt em”. Người này cho biết nếu muốn thì sáng sẽ “dắt đi siêu âm luôn, tốn thêm tiền”.
Người phụ nữ ra giá cho số thứ tự nhỏ là 250.000 đồng, số nhỏ hơn là 350.000 đồng. Nói một hồi, thấy đối phương chưa động tĩnh gì, một người đàn ông quen với Lan bước tới, vẻ mặt nhăn nhó vì chưa chốt được kèo.
Bên trong bệnh viện, loa phát cảnh báo mọi người nên vào quầy để được hướng dẫn, không nghe lời các đối tượng bên ngoài.
Ở Bệnh viện Bình Dân, một số bệnh nhân chờ khám cũng cho biết có tình trạng “cò” lảng vảng chào mời. Theo một bệnh nhân chờ khám, giá “cò” đưa ra là 300.000 đồng.
Nguồn: https://tuoitre.vn/bao-gio-do-canh-nua-dem-cho-kham-benh-20240809092400024.htm