Định dạng đề thi sẽ thế nào?
Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhưng cũng có tính kế thừa vì học sinh dự thi năm này chỉ có 3 năm học theo chương trình mới, 9 năm còn lại học Chương trình giáo dục phổ thông 2006.
Định dạng đề thi mới sẽ khắc phục được một số vấn đề, trong đó cần cân đối độ tin cậy, thậm chí giữa các môn học khác nhau. “Chúng tôi đang tích cực nghiên cứu, áp dụng phương pháp khảo thí hiện đại để tránh độ lệch điểm quá lớn giữa một số môn, chẳng hạn một số môn trong nhóm khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội”, ông Hà nói.
Về ngân hàng đề thi, ông Hà cho biết, lãnh đạo Bộ GD-ĐT chỉ đạo một trong những mô hình xây dựng ngân hàng là phát triển đi từ cơ sở. Ngay trong tháng 11, Bộ có cuộc tập huấn đầu tiên cho khoảng hơn 3.000 giáo viên của tất cả các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cho 63 sở GD-ĐT trên cả nước và một số cơ sở giáo dục ĐH có tham gia nhiều trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đợt tập huấn này được thực hiện bởi Viện Khảo thí giáo dục của Mỹ (ETS).
Hơn 3.000 giáo viên sẽ là lực lượng nòng cốt giúp thay đổi xây dựng ngân hàng câu hỏi thi.
Minh họa định dạng đề thi sẽ công bố trong quý 4
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc bao giờ công bố đề thi minh họa cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, ông Hà cho biết, đề minh họa cho chương trình giáo dục phổ thông mới, lẽ ra về nguyên tắc bao giờ học sinh phải học đến lớp 12 mới công bố. “Tuy nhiên, chúng tôi rất biết điều này là quan trọng và mang tính “dẫn đường” cho việc dạy của giáo viên và việc học của học sinh”, ông Hà nói và cho biết, lãnh đạo Bộ GD-ĐT quyết định ngay sau khi thử nghiệm định dạng và cấu trúc đề thi sẽ công bố minh họa định dạng và cấu trúc nhưng mô phỏng theo hướng cấu trúc đề thi 2025, mặc dù chất liệu, nội dung có thể sử dụng của lớp 10, lớp 11.
“Nhìn vào minh họa đó, chúng ta sẽ biết cách thức đánh giá mới sẽ như thế nào, năng lực nào là năng lực cần quan tâm và hàm lượng khoảng bao nhiêu. Dự kiến định dạng, cấu trúc minh họa ấy sẽ được công bố trong quý 4 này”, ông Hà cho biết.
Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 28.11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ký Quyết định số 4068/QĐ-BGDĐT phê duyệt phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo đó, Bộ GD-ĐT chốt phương án thi tốt nghiệp THPT 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc và 2 môn thí sinh được lựa chọn.
Cụ thể, thí sinh sẽ thi bắt buộc môn ngữ văn, toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ). Môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.
Từ năm 2025, học sinh thi tốt nghiệp THPT 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn
Nội dung thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ bám sát mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đề thi theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, phù hợp với quy định và lộ trình triển khai chương trình mới.
Kỳ thi được tổ chức trên toàn quốc, theo cách thức chung đề, chung đợt, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Giai đoạn 2025 – 2030, giữ ổn định phương thức thi trên giấy.
Giai đoạn sau năm 2030 sẽ từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính). Khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.