Kỷ lục thay HLV trưởng
Có lẽ không một đội bóng nào ở V-League mà chỉ trong chưa đầy 5 năm có đến 10 HLV trưởng như CLB TP.HCM. Ngay Becamex Bình Dương cũng nổi tiếng về việc thay HLV liên tục trong vài năm qua nhưng cũng không thể nhiều như đội bóng biệt danh “Chiến hạm đỏ” này. Từ các HLV nội (chính thức và tạm quyền) như Lư Đình Tuấn, Trần Minh Chiến, Trương Việt Hoàng, Nguyễn Hữu Thắng, Vũ Tiến Thành và giờ là Phùng Thanh Phương đến các thầy ngoại như Miura, Chung Hae-seong, Polking, đội bóng thành phố nổi tiếng về độ thay tướng như thay áo.
Thành tích không tốt cần thiết phải thay HLV là một chuyện nhưng cái chính là những người đang lèo lái đội bóng thiếu sự kiên định và chưa có chiến lược phát triển đội bóng một cách toàn diện, nên cách làm vẫn mang tính đối phó. Nhiều HLV đến với đội bóng cũng rất tâm huyết nhưng gần như họ không thể chịu nổi tư duy đầu tư cũng như phát triển lực lượng thiếu bền vững của CLB. Người lâu nhất chỉ khoảng 1 năm như ông Chung Hae-seong hoặc Vũ Tiến Thành, còn lại vài ba tháng là phải khăn gói ra đi.
Chính sự thay đổi xoành xoạch HLV trưởng như vậy khiến đội bóng không tạo được dấu ấn trong lối chơi. Mỗi HLV đến lại đưa triết lý của mình nên cầu thủ cũng phải thay đổi tầm nhìn và nhận thức theo, dẫn đến lối đá vừa mới ổn định thì lại phải điều chỉnh, chạy theo các bài tập khác nhau. Cách dùng người như vậy nên lực lượng CLB TP.HCM ngày càng không mạnh, làm thành tích của đội bị kéo lùi. Đội bóng chỉ thực sự tốt thời ông Chung Hae-seong khi giành ngôi á quân năm 2019, sau đó tuột dần và vài năm trở lại đây phải vất vả đua trụ hạng. Còn V-League năm nay dù có khởi đầu tốt với 4 điểm nhưng việc chia tay HLV Vũ Tiến Thành sau 1 năm làm việc, không có gì đảm bảo đội bóng sẽ tránh nguy cơ xuống hạng.
Cần có chiến lược rõ ràng, lộ trình phù hợp
Câu chuyện lá đơn của 24 thành viên đội bóng về việc nợ lương thưởng không phải mới lần đầu xảy ra ở CLB TP.HCM. Tháng 4.2022 từng xảy ra việc một loạt cầu thủ đình công vì không được giải quyết thấu đáo chuyện tiền lót tay. Lãnh đạo đội bóng sau đó tìm cách giải quyết ở mức tương đối để yên lòng cầu thủ. Lần này cũng vậy, vừa qua CLB TP.HCM đã có cuộc họp với các HLV, cầu thủ và đưa ra thông báo số tiền nợ 15 tỉ đồng là do chậm chuyển vì chưa thu hồi được tiền từ nhà tài trợ. Đến ngày 24.11, CLB đã ứng 5 tỉ đồng để trả hết 25% phí lót tay của giai đoạn 1 V-League, số tiền còn lại sẽ giải quyết trong tháng 12 khi được nhà tài trợ giải ngân.
Bài toán tài chính thực tế luôn là câu chuyện “đau đầu” với nhiều đội bóng. Các CLB như Bình Định, Khánh Hòa cũng đang phải trông chờ tiền từ ngân sách sau khi nhà tài trợ không còn chi bạo như trước. Hay trước đó Than Quảng Ninh đã phải xóa tên vì tỉnh không thể chi trả sau khi nhà tài trợ chính rút lui. Vì thế với CLB TP.HCM, xã hội hóa thời gian qua là đúng nhưng không thể khoán hết cho những người đang nắm đội hiện nay nếu họ không đủ tiềm lực lâu dài. Vai trò thể hiện sự quan tâm và theo sát diễn biến đội bóng từ những người có trách nhiệm, cụ thể là Sở VH-TT, để có hướng chỉ đạo và tháo gỡ nếu đội bóng có những khó khăn, nhằm định hướng cho tốt là rất cần thiết.
Điều mà người hâm mộ lo lắng nhất hiện là chiến lược phát triển CLB TP.HCM chưa rõ ràng, việc đầu tư và xây dựng lực lượng còn manh mún và thiếu bản sắc trong lối chơi. Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương: “Tình hình CLB TP.HCM thực tế rất cần có sự kết hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và CLB xem lộ trình xã hội hóa như vậy cái gì phù hợp, cái nào chưa phù hợp. Đây là bộ mặt, hình ảnh của thể thao TP.HCM nên Sở phải xem xét không chỉ ráo riết giải quyết vấn đề nội tình đội bóng mà phải xác định cho rõ lộ trình sắp tới để nâng tầm sức mạnh cho bóng đá TP.HCM. Không mang lại sự ổn định và bản sắc trong lối chơi thì sẽ khó tạo dựng lại niềm tin và làm cho sân Thống Nhất luôn sáng đèn rực rỡ vào mỗi cuối tuần”.