Trang dw.com (Đức) ngày 5/7 đăng bài viết nhận định, Việt Nam nhanh chóng trở thành một trong những điểm đến phổ biến nhất ở Đông Nam Á khi du khách được tận hưởng những cảnh quan đa dạng, bãi biển, ruộng bậc thang trên núi và các thành phố nhộn nhịp.
Bài báo trên trang dw.com đánh giá cao điểm đến Việt Nam tại Đông Nam Á. (Ảnh chụp màn hình) |
Theo báo cáo của Google Destination Insights, Việt Nam là điểm đến được tìm kiếm nhiều thứ 7 trong khoảng thời gian từ tháng 3-6/2023 và là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á lọt vào top 20.
Ông Bobby Nguyễn, Chủ tịch hãng lữ hành Rustic Hospitality Group, nói với DW rằng, mức tăng trưởng chủ yếu đến từ khách du lịch Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc: “Trung Quốc đã mở cửa lại thị trường du lịch nước ngoài cho Việt Nam và thị trường Ấn Độ đã tăng trưởng từ năm 2022”.
Theo ông Bobby Nguyễn, việc sử dụng mạng xã hội và sức ảnh hưởng của các tập đoàn du lịch lớn cũng giúp thúc đẩy hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế: “Sử dụng nhiều kênh truyền thông trực tuyến như Facebook, Instagram, TikTok, các kênh quảng cáo trên Google hay các kênh mạng khác cũng là cách quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới nhanh nhất”.
Điều chỉnh chính sách visa giúp thúc đẩy du lịch
Mới đây, chính phủ đã phê duyệt chính sách thị thực mới cho du khách quốc tế đến Việt Nam, tăng gấp ba lần thời gian miễn thị thực từ 15 lên 45 ngày đối với một số quốc gia nhất định.
Những điều chỉnh này sẽ có hiệu lực vào ngày 15/8. Ông Gary Bowerman, chuyên gia phân tích du lịch tại Kuala Lumpur, cho rằng, những thay đổi về quy định thị thực sẽ giúp thúc đẩy ngành du lịch: “Ngành du lịch đang tăng trưởng và trong 6 tháng tới, lượng du khách đến Việt Nam sẽ tăng lên. Tôi cho rằng sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là khi thị trường Trung Quốc quay trở lại”.
Ông Bowerman nhận định, một trong những điểm hấp dẫn của Việt Nam là Việt Nam là một điểm đến ít được biết đến và đem lại cả cơ hội du lịch lẫn kinh doanh: “Nhiều người trẻ tuổi hiện muốn tìm hiểu thêm một chút về Việt Nam. Tôi nghĩ Việt Nam có nhiều điều chưa được biết đến. Tôi thấy Thái Lan có lẽ được biết đến nhiều hơn. Việt Nam đem lại cảm giác khám phá và cả sự huyền bí. Đó là đất nước mà mọi người muốn đầu tư, muốn kinh doanh và muốn đi du lịch”.
Du lịch Việt Nam – đối thủ mới nổi của Thái Lan
Đối với các công ty du lịch tại Việt Nam, chính sách thị thực mới và triển vọng thu hút thêm nhiều khách quốc tế là rất đáng mừng.
Ông Max Lambert, Chủ sở hữu của công ty Fuse Hostels & Travel, cho rằng: “Tôi rất mong chờ những gì sẽ đến. Chúng tôi nhận thấy trong ba tháng qua, số lượng khách quốc tế lưu trú đã tăng đáng kể, đồng thời cho biết thêm rằng lượng đặt phòng đã trở lại mức của năm 2019”.
Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt mức trước đại dịch Covid-19. Điều đó có nghĩa là Việt Nam vẫn còn một số chặng đường phía trước nếu muốn cạnh tranh với du lịch Thái Lan.
Ông Bobby Nguyễn cho rằng Việt Nam phải cải thiện một số lĩnh vực để tối đa hóa tiềm năng du lịch: “Du lịch là hoạt động kinh tế mang tính hội nhập, các bộ, ngành cần phải phối hợp chặt chẽ. Cơ sở hạ tầng, kể cả hệ thống đường cao tốc, đường sắt, đường bộ vẫn chưa theo kịp sự phát triển của ngành du lịch. Cần đào tạo lại và đào tạo mới nhân sự làm việc trong ngành du lịch để đáp ứng chất lượng dịch vụ”.
Theo ông Bowerman, “trước đại dịch Covid-19, Việt Nam thực sự không được xem là đối thủ của Thái Lan, nhưng chắc chắn là một đối thủ mới nổi. Việt Nam được coi là điểm đến hấp dẫn tiếp theo trong ngành du lịch ở Đông Nam Á. Việt Nam vẫn sẽ duy trì được sức hút này”.