Tại các buổi làm việc, Lãnh đạo Báo Dân tộc và Phát triển và Ban Dân tộc các tỉnh đã tập trung thảo luận, cho ý kiến đóng góp về hai nội dung trọng tâm, đó là: Tăng cường công tác phối hợp thông tin tuyên truyền về công tác dân tộc, kết quả thực hiện chính sách dân tộc và các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trnhf MTQG 1719); Việc thực hiện chính sách cấp báo đối với Người có uy tín theo Quyết định Quyết định 28/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.
Tại các buổi làm việc, Lãnh đạo các Ban Dân tộc đã thông tin đến Đoàn công tác một số kết quả đạt được trong việc thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn nói chung và đối với Người có uy tín nói riêng. Theo đó, đội ngũ Người có uy tín luôn được quan tâm và hưởng thụ đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho Người có uy tín, trong đó có việc Người có uy tín được cấp Báo Dân tộc và Phát triển. Qua đó, góp phần tăng cường niềm tin của đội ngũ Người có uy tín đối với Đảng, Nhà nước, thắt chặt khối đại đoàn kết các dân tộc tại địa phương.
Đặc biệt, để đảm bảo đúng, đủ, kịp thời chính sách cấp Báo cho Người có uy tín theo Quyết định 28/TTg của Thủ tướng Chính phủ, đại diện các phòng ban và Lãnh đạo các Ban Dân tộc đều bảy tỏ mong muốn Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục được cấp cho Người có uy tín trong thời gian sớm nhất.
Phát biểu tại các buổi làm việc với các Ban Dân tộc, ông Lê Công Bình, Tổng Biên tập Báo Dân tộc và Phát triển cho biết, từ năm 2011, thực hiện Quyết định số 18/QĐ-TTg ngày 18/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chính sách cấp báo cho Người có uy tín trong đồng bào DTTS đến nay, Báo Dân tộc và Phát triển là tờ báo Trung ương duy nhất thực hiện nhiệm vụ xuất bản, phát hành báo cho Người có uy tín thông qua việc đặt báo của Ban Dân tộc các địa phương.
Theo đó, các nội dung truyên truyền về công tác dân tộc, kết quả thực hiện chính sách dân tộc và Chương trình MTQG 1719 đã được Báo chú trọng truyên truyền sâu rộng, hiệu quả. Nhiều cách làm hay, sáng tạo, nhiều mô hình điển hình, cá nhân tiêu biểu trong quá trình triển khai chính sách dân tộc tại địa phương đã được báo phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng, biểu dương kịp thời, Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trong chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc…
Với những nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng nội dung, hình thức, phục vụ bạn đọc ngày càng tốt hơn, Báo Dân tộc và Phát triển đã được đội ngũ Người có uy tín đón nhận, đánh giá cao, xem đây là một kênh thông tin quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho đội ngũ Người có uy tín trong quá trình tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Các ấn phẩm của Báo Dân tộc và Phát triển nói chung, Báo Dân tộc và Phát triển Cuối tháng nói riêng đã và đang đổi mới toàn diện và triệt để nhằm đáp ứng yêu cầu về công tác dân tộc trong giai đoạn mới và tiếp tục là người bạn đồng hành đáng tin cậy của bạn đọc trên mọi miền đất nước.
Ghi nhận những kết quả đạt được của Báo Dân tộc và Phát triển trong công tác thông tin, truyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là công tác dân tộc, chính sách dân tộc, ông Nông Đức Ngọc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai nhấn mạnh: Từ nhiều năm qua, với việc cung cấp đầy đủ, kịp thời 2 số báo/ tuần, Báo Dân tộc và Phát triển đã trở thành kênh thông tin hữu ích cho đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn tỉnh hàng chục năm qua. Ngay từ đầu năm 2024, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện QĐ 28 nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách cho Người có uy tín, trong đó có chính sách cung cấp thông tin. Căn cứ QĐ 28 và các văn bản hướng dẫn của UBDT, Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai nhận thấy Báo Dân tộc và Phát triển là tờ báo cấp Trung ương duy nhất đáp ứng các yêu cầu để cấp cho Người có uy tín. Tuy nhiên về phương thức thực hiện cần phải được bàn bạc, thống nhất, đảm bảo đúng các quy định của pháp luật.
Các đại biểu tham dự cuộc làm việc cũng đã nêu lên nhiều ý kiến, thảo luận xung quanh sự cần thiết phải sớm thực hiện việc cấp báo cho Người có uy tín; rà soát các quy định của pháp luật để đề xuất phương thức thực hiện phù hợp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất.
Đây cũng là ý kiến, khẳng định của cán bộ, lãnh đạo Ban Dân tộc các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên, Bắc Giang khi làm viêjc với Báo về nội dung cấp Báo cho Người có uy tín theo Quyết định 28/TTg của Thủ tướng Chính Phủ.
Với quyết tâm đổi mới toàn diện và triệt để nhằm đáp ứng yêu cầu về công tác dân tộc trong giai đoạn mới, các ấn phẩm của Báo Dân tộc và Phát triển nói chung, Báo Dân tộc và Phát triển Cuối tháng nói riêng sẽ tiếp tục là người bạn đồng hành đáng tin cậy của bạn đọc trên mọi miền đất nước, đặc biệt bạn đọc là Người có uy tín trong đồng bào DTTS.
Theo số liệu thống kê, số lượng Người có uy tín tại 6 tỉnh trên là hơn 7.000 người. Trong đó, tỉnh Yên Bái hiện cũng có trên 800 người; Tuyên Quang có trên 1.000 người; Hà Giang có trên 2.000 người; Lào Cai có trên 1.000 người; Thái Nguyên có trên 800 người; Bắc Giang có trên 500 người và Lào Cai có trên 1.000 người.
Thời gian qua, Ban Dân tộc các tỉnh đã rất quan tâm đến việc thực hiện chính sách đối với Người có uy tín nói chung và cấp phát báo Dân tộc và Phát triển cho đội ngũ này nói riêng. Tuy nhiên, việc cấp báo vẫn còn những hạn chế, tồn tại.
Sau các buổi làm việc, các Ban Dân tộc cho rằng, việc cấp báo cho Người có uy tín không chỉ là món ăn tinh thần mà còn là cẩm nang, nguồn tư liệu để Người có uy tín thực hiện tốt công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào DTTS, phổ biến kinh nghiệm về phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo và góp phần trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn.