Sáng 10/11 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, việc xây dựng, ban hành Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; đảm bảo sự điều chỉnh sát thực tế về pháp lý; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, phù hợp với xu thế phát triển phát luật của nước ta và thông lệ quốc tế.
Quá trình xây dựng Luật, Bộ Công an đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Căn cứ Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 02/6/2023 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với dự án Luật tại Phiên họp thứ 24, trong đó giao Chính phủ hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10 năm 2023). Ngày 10/8/2023, Bộ Tư pháp đã thẩm định hồ sơ dự án Luật; ngày 17/8 và ngày 24/8/2023, Thường trực Chính phủ, Chính phủ đã họp cho ý kiến và hoàn thiện hồ sơ dự án Luật báo cáo Quốc hội…
Bố cục dự thảo Luật gồm 09 Chương, 81 Điều. Tiếp thu kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý phạm vi điều chỉnh để phù hợp với tên gọi và nội hàm của Luật, theo đó đã chuyển các quy định về phương tiện giao thông và một số điều quy định trong chương vận tải đường bộ có nội dung liên quan đến trật tự, an toàn giao thông từ dự thảo Luật Đường bộ sang dự thảo Luật này. Bổ sung các giải thích từ ngữ, một số nội dung về nguyên tắc, chính sách về trật tự, an toàn giao thông, hành vi bị nghiêm cấm, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ bảo đảm tính bao quát, sát thực tiễn.
Bên cạnh đó, trên cơ sở nội luật hóa quy định trong Công ước Viên năm 1968 về Giao thông đường bộ phù hợp với điều kiện Việt Nam, kế thừa những quy định còn phù hợp của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, luật hóa một số quy định ở các văn bản dưới luật, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung, mô tả lại một số quy định phù hợp với thực tiễn.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, dự thảo Luật cũng đã chuyển toàn bộ chương quy định về phương tiện giao thông từ dự thảo Luật Đường bộ sang để bảo đảm tính thống nhất, không chồng chéo, trùng lặp và phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật. Đồng thời chuyển một số điều luật trong chương vận tải đường bộ liên quan đến bảo đảm trật tự, an toàn phương tiện giao thông đường bộ từ dự thảo Luật Đường bộ sang dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật…
Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định mới phù hợp với xu hướng, tiến trình chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho người dân, theo đó, đối với một trong các giấy tờ: giấy phép lái xe, chứng nhận đăng ký xe, chứng nhận kiểm định, chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, trong trường hợp thông tin của các loại giấy tờ nào đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử, thẻ căn cước theo quy định thì không phải mang theo. Dự thảo Luật không phân chia chi tiết các hạng giấy phép lái xe như Luật Giao thông đường bộ 2008, chỉ quy định nguyên tắc phân hạng giấy phép lái xe để bảo đảm tính linh hoạt trong trường hợp có sự thay đổi của các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời chuyển một số điều luật trong chương vận tải đường bộ liên quan đến bảo đảm trật tự, an toàn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông từ dự thảo Luật Đường bộ sang dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật.
Dự thảo Luật cũng đã chỉnh lý, bổ sung nội dung các điều luật để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, xử phạt vi phạm; thay đổi phương thức tuần tra, kiểm tra theo hướng ứng dụng hiện đại; phục vụ việc xử lý vi phạm giao thông đường bộ được khách quan, chính xác; ngăn chặn hành vi gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, tính mạng, sức khỏe, chống người thi hành công vụ.
Ngoài ra, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về giải quyết tai nạn giao thông liên quan đến người nước ngoài, phương tiện của nước ngoài; quy định rõ công tác phối hợp trong giải quyết tai nạn giao thông, cập nhật dữ liệu về tai nạn giao thông để đảm bảo tính chính xác, khách quan, minh bạch; nghiên cứu, luật hóa các quy định tại thông tư của Bộ Công an về quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông.
Đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) được ban hành năm 2008, sau 15 năm thực hiện cho thấy, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực này.
Luật GTĐB năm 2008 điều chỉnh cả lĩnh vực kết cấu hạ tầng GTĐB, vận tải đường bộ và lĩnh vực TTATGTĐB, nên không bao quát hết các nội dung về lĩnh vực TTATGTĐB, dẫn đến những bất cập trong công tác quản lý nhà nước, phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành. Việc ban hành Luật này là cần thiết phù hợp với chủ trương của Đảng tại Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. (Còn tiếp)
Về hồ sơ dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, Chính phủ đã chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 7/2023 và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật này.
Về sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp hiến, tính thống nhất với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; tính khả thi của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và quy định của Hiến pháp năm 2013; cơ bản bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm TTATGTĐB, góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước, thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế và khắc phục những vướng mắc, bất cập thời gian qua. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và cho rằng, Luật này điều chỉnh về các vấn đề liên quan đến quy tắc giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, chỉ huy, điều khiển, tuần tra, kiểm soát, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; còn Luật Đường bộ điều chỉnh về các vấn đề quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành khai thác, sử dụng, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ và vận tải đường bộ.
Đối với lĩnh vực vận tải đường bộ thì Luật này chỉ điều chỉnh đối với một số hoạt động liên quan đến TTATGT trong hoạt động vận tải đường bộ như quy định về nguyên tắc, điều kiện an toàn đối với người lái xe và phương tiện vận tải là phù hợp; còn Luật Đường bộ quy định các nội dung liên quan đến yếu tố kỹ thuật của vận tải đường bộ. Để bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo, Ủy ban QPAN đề nghị tiếp tục rà soát để tách bạch rõ hơn nữa các nội dung liên quan đến vận tải đường bộ được điều chỉnh trong dự thảo Luật TTATGTĐB và dự thảo Luật Đường bộ để điều chỉnh cho phù hợp.
Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8), một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm tuyệt đối người “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” (khoản 1). Một số ý kiến khác nhất trí với quy định này, vì thực tiễn thực hiện đã chứng minh tính hiệu quả. Có ý kiến đề nghị bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm như: Bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông để trốn tránh trách nhiệm; khi có điều kiện mà cố ý không cấp cứu, giúp đỡ người bị tai nạn giao thông; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị nạn và người gây tai nạn giao thông…
Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên để tiếp thu cho phù hợp; tiếp tục rà soát, sắp xếp các quy định cấm liên quan đến TTATGTĐB để bảo đảm tính thống nhất, logic, tránh trùng lặp với các quy định khác trong dự thảo Luật hoặc trùng lặp với quy định của các luật chuyên ngành khác; nghiên cứu, sắp xếp các hành vi bị nghiêm cấm theo nhóm chủ thể, nội dung cho dễ theo dõi.