Bổ sung các quy định mới bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, Luật Lưu trữ (sửa đổi) thể hiện tinh thần đổi mới mạnh mẽ trong việc thực hiện các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) có nhiều quy định giúp người dân tiếp cận thông tin nhanh, thuận tiện hơn. Ảnh minh họa: Đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên tiếp nhận các chủ trương, chính sách thông qua kết nối internet. (Nguồn: tapchicongsan.vn) |
Sứ mệnh của lưu trữ là gìn giữ và phát huy các thông tin quá khứ – bộ nhớ của dân tộc, trong khi đó nhân dân là những người làm nên lịch sử. Do đó, các tài liệu lưu trữ – thông tin lịch sử trong bộ nhớ của cả dân tộc, trước hết là để phục vụ mọi nhu cầu chính đáng của nhân dân.
Với tinh thần xuyên suốt này, trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã nỗ lực xây dựng một nền lưu trữ Việt Nam hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, hiện đại hóa nền hành chính, phục vụ nhân dân.
Lưu trữ hiện đại lấy con người làm trung tâm
Trên cơ sở đó, dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) đã được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực lưu trữ phục vụ quần chúng nhân dân và góp phần hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, hội nhập quốc tế.
Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) được xây dựng trên nguyên tắc kế thừa, phát huy và hoàn thiện những quy định của Luật Lưu trữ năm 2011 còn phù hợp với thực tiễn; đồng thời sửa đổi, bổ sung những quy định chưa rõ, còn bất cập, chưa thống nhất trên nguyên tắc hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Cũng với tinh thần này, Dự thảo Luật đã đề ra 6 nguyên tắc lưu trữ cơ bản, trong đó, việc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước là yếu tố quan trọng và sự tham gia của cộng đồng, xã hội, công chúng nhân dân là điều tiên quyết. Đồng thời, cần phải bảo đảm mục tiêu phát huy hiệu quả giá trị của tài liệu lưu trữ vì lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc Việt Nam, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ lưu trữ quốc tế…
Dựa trên các chính sách đã được đề ra, toàn bộ 8 chương, 65 điều của dự thảo Luật đều đi đúng hướng, thể hiện những quy định cụ thể nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng một nền lưu trữ phục vụ – vừa bảo đảm tối đa sự thuận tiện cho người dân, vừa bảo đảm hiệu quả quản lý Nhà nước.
Nhiệm vụ của lưu trữ không chỉ đơn thuần là bảo quản, bảo vệ bộ nhớ của dân tộc, mà hơn cả, đó là việc tạo điều kiện thuận lợi và thu hẹp khoảng cách giữa quá khứ và hiện tại, cho phép các thế hệ quần chúng nhân dân của các giai đoạn lịch sử kết nối với nhau và kết nối với cội nguồn của mình. Bên cạnh việc ghi nhận giá trị đặc biệt của tài liệu lưu trữ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, một chương mới (so với Luật Lưu trữ 2011) “Tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ” đã được cơ quan soạn thảo Luật đề xuất và nhận được sự đồng thuận cao của các đại biểu Quốc hội.
Tại nội dung mới này, các yêu cầu về hình thức phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, đặc biệt là công bố tài liệu lưu trữ, công khai danh mục hồ sơ, tài liệu lưu trữ đã được quy định cụ thể. Quy định khuyến khích cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân lồng ghép việc phát huy giá trị tài liệu lưu trữ trong hoạt động giáo dục, đào tạo là một trong những điểm mới, mở rộng các đối tượng hướng tới của lưu trữ.
Ngoài việc phục vụ nhu cầu về thông tin của người dân, Chương V “Lưu trữ tư” của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) còn hướng tới phục vụ các nhu cầu khác của người dân trong việc bảo quản và phát huy giá trị các tài liệu do cá nhân sở hữu, bảo đảm tôn trọng quyền và lợi ích của các cá nhân/cộng đồng có sở hữu tài liệu.
Có thể nói, với việc bổ sung nhiều quy định mới nêu trên, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) đã thể hiện tinh thần đổi mới mạnh mẽ trong việc bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực lưu trữ phục vụ quần chúng nhân dân. (Nguồn: terasoft) |
Mở rộng phạm vi, tăng khả năng thực hiện quyền tiếp cận thông tin
Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân được thông tin, tiếp cận thông tin nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, hỗ trợ cải cách hành chính, nâng cao chất lượng cuộc sống và thực hiện các quyền tự do cơ bản của nhân dân.
Bằng việc đưa ra cách hiểu mới “tài liệu là thông tin gắn liền với vật mang tin có nội dung và hình thức thể hiện không thay đổi khi chuyển đổi vật mang tin”, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) nhấn mạnh tới nội hàm “thông tin” trong tài liệu lưu trữ. Từ đây, các quy định về quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ, nghiệp vụ lưu trữ, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ đều với một mục đích quan trọng là đảm bảo thông tin được giữ gìn và sử dụng dài lâu.
Để bảo đảm đầy đủ quyền tiếp cận thông tin từ tài liệu lưu trữ của người dân, một trong các hành vi bị nghiêm cấm đã được quy định trong dự thảo Luật là cản trở quyền sử dụng hợp pháp tài liệu lưu trữ của công dân.
Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định cụ thể về tiếp cận tài liệu lưu trữ: việc tiếp cận thông tin trong tài liệu lưu trữ tại lưu trữ hiện hành của công dân thực hiện theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin; cơ quan, tổ chức, cá nhân được tiếp cận thông tin trong tài liêu lưu trữ tại lưu trữ lịch sử, được tiếp cận thông tin có điều kiện trong một số trường hợp.
Song song với đó, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) cũng quy định quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận và sử dụng thông tin tài liệu lưu trữ, bao gồm: được tiếp cận thông tin tài liệu lưu trữ chính xác, đầy đủ, kịp thời, đúng quy định của pháp luật; sử dụng thông tin tài liệu lưu trữ để phục vụ công tác, nghiên cứu khoa học, lịch sử và các nhu cầu hợp pháp khác; khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Điểm mới và tiến bộ của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) thể hiện ở chỗ mở rộng phạm vi thông tin được tiếp cận. Trong đó, quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và lưu trữ lịch sử trong việc giải mật tài liệu; lấp đầy khoảng trống thông tin về một số lĩnh vực quan trọng trong quản lý xã hội; bổ sung nhiều quy định về loại hình tài liệu mới – tài liệu lưu trữ số,…
Ngoài ra, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) còn có nhiều quy định giúp người dân tiếp cận thông tin nhanh, thuận tiện hơn thông qua việc giảm thời hạn nộp lưu tài liệu vào lưu trữ lịch sử; quy định trách nhiệm công khai danh mục hồ sơ, tài liệu lưu trữ thuộc thẩm quyền quản lý trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử; số hóa tài liệu lưu trữ, kho lưu trữ số, xây dựng và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; lưu trữ dự phòng,…
Đáng chú ý, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) đã giải quyết mối quan hệ giữa việc lưu giữ thông tin – tài liệu lưu trữ với việc sử dụng, phát huy giá trị của tài liệu trong đời sống xã hội. Việc thúc đẩy sự tham gia được hiểu bằng 2 hướng: tài liệu lưu trữ tham gia, phục vụ đời sống cộng đồng và cả cộng đồng xã hội tham gia vào công tác lưu trữ.
Với tinh thần xuyên suốt là hướng tới phục vụ người dân, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, đặc biệt về các vấn đề như chuyển đổi số, lưu trữ số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đối chiếu với Luật Công nghệ thông tin, Luật An ninh mạng, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước… Đồng thời, dự thảo cũng được rà soát, đối chiếu kỹ với các điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đảm bảo thống nhất, không mâu thuẫn.
Có thể khẳng định rằng, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) đã thể hiện đầy đủ các mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc và bám sát các chính sách lớn được Quốc hội thông qua, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp, đồng thời, thực hiện định hướng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ, xây dựng một xã hội lưu trữ.
Dự kiến sau khi được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua và có hiệu lực, việc thực thi quy định cụ thể trong Luật Lưu trữ (sửa đổi) về các nội dung đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân sẽ góp phần đem lại nhiều lợi ích trong việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đồng thời củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước.
Tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ giao, trong thời gian qua, Bộ Nội vụ đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan và chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 8 chương với 65 điều. Nội dung dự thảo Luật đã bám sát các chính sách lớn được Quốc hội thông qua tại đề nghị xây dựng Luật, phù hợp với mục tiêu, quan điểm đề ra khi xây dựng dự án Luật, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới; kế thừa các quy định của Luật Lưu trữ năm 2011 còn phù hợp, bổ sung quy định mới, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp, đồng thời, thực hiện định hướng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ, xây dựng một xã hội lưu trữ. Dự kiến tại Kỳ họp thứ 7, Khóa XV, Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua. |
Nguồn: https://baoquocte.vn/bao-dam-quyen-tiep-can-thong-tin-cua-nguoi-dan-thong-qua-luat-luu-tru-sua-doi-272080.html