NDO – Chiều 24/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm là quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, đặc biệt liên quan đến việc hoàn trả chi phí khi người bệnh phải tự mua thuốc do thiếu nguồn cung tại cơ sở khám, chữa bệnh.
Quy định cần thiết bảo vệ quyền lợi người bệnh
Hiện nay, tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, có tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế, khiến người bệnh phải tự mua thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, quy định về trách nhiệm hoàn trả chi phí cho người bệnh chưa rõ ràng.
Đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) nhấn mạnh, cần có quy định cụ thể buộc cơ sở khám, chữa bệnh phải hoàn trả cho người bệnh số tiền họ đã chi trả cho thuốc và vật tư y tế trước khi ra viện. Điều này sẽ bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân có thẻ bảo hiểm y tế, đồng thời giảm bớt các thủ tục hành chính phức tạp, giúp người bệnh an tâm hơn khi sử dụng dịch vụ y tế.
Ông Tuấn cũng đề xuất rằng, các cơ sở khám, chữa bệnh cần chịu trách nhiệm về việc thanh toán với cơ quan Bảo hiểm xã hội và bảo đảm rằng hồ sơ thanh toán đầy đủ, minh bạch. Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi của người bệnh mà còn góp phần ngăn ngừa những tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình khám, chữa bệnh.
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi. |
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) cho rằng, việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế là cần thiết để bảo đảm tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân. Theo bà Sương, hiện số người tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 93,6 triệu người, tương đương 93,35% dân số. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát và bổ sung thêm các nhóm đối tượng chưa tham gia bảo hiểm y tế để bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận dịch vụ y tế.
Bà Sương cũng đề nghị mở rộng thanh toán bảo hiểm y tế cho các dịch vụ y tế như khám, chữa bệnh từ xa, chuyển tuyến theo yêu cầu chuyên môn, sử dụng máu và chế phẩm máu, cũng như các thiết bị y tế khác phục vụ điều trị.
Khắc phục bất cập trong quản lý và giám định bảo hiểm y tế
Đại biểu Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên) cho biết, việc sửa đổi khái niệm và nội dung giám định bảo hiểm y tế là cần thiết để khắc phục những khó khăn trong tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế hiện nay. Việc làm rõ hơn quy trình thanh toán chi phí khám, chữa bệnh sẽ góp phần cải thiện trách nhiệm của các cơ quan quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế, bảo đảm sử dụng quỹ hiệu quả, chống lãng phí và tiêu cực.
Ngoài ra, đại biểu Trần Đức Thuận (Nghệ An) cũng cho rằng, dự thảo luật sửa đổi cần tập trung vào việc khắc phục những vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật bảo hiểm y tế, nhằm làm rõ hơn quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế và trách nhiệm của các cơ quan liên quan.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) phát biểu. |
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đồng tình với việc mở rộng phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế. Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) đánh giá cao dự thảo luật đã mở rộng đối tượng và quyền lợi trong việc luân chuyển giữa các tuyến khám, chữa bệnh.
Tuy nhiên, bà Thanh đề nghị cần bổ sung thêm quyền lợi về dịch vụ cấp cứu trước viện và các dịch vụ dinh dưỡng điều trị cho người bệnh để bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế được đầy đủ hơn.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) cũng đề nghị rà soát và bổ sung các quy định về thông tuyến bảo hiểm y tế, nhằm giải quyết triệt để những vướng mắc hiện nay, giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh và tránh những phiền hà trong thủ tục hành chính.
Cần giữ giấy chuyển tuyến để bảo đảm hiệu quả của hệ thống y tế
Thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Tri Thức (Thành phố Hồ Chí Minh), Thứ trưởng Y tế nêu ý kiến liên quan đến việc tổ chức các cấp khám, chữa bệnh và giữ vững hệ thống y tế cơ sở. Một trong những nội dung được ông đặc biệt quan tâm là việc giữ lại giấy chuyển tuyến trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, nhằm bảo vệ và phát triển hệ thống y tế toàn diện.
Đại biểu Nguyễn Tri Thức – Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh. |
Theo Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức, trước đây hệ thống y tế Việt Nam được chia thành 4 tuyến: xã, huyện, tỉnh, và Trung ương. Tuy nhiên, Luật sửa đổi lần này sẽ quy định lại theo 3 cấp: cấp ban đầu (tạm hiểu là trạm y tế xã), cấp cơ bản (bệnh viện huyện và một số bệnh viện tỉnh), và cấp chuyên sâu (bệnh viện Trung ương, các bệnh viện đa khoa chuyên sâu và một số bệnh viện tỉnh có đủ điều kiện kỹ thuật được công nhận).
Ông cho rằng, việc tổ chức theo 3 cấp này sẽ phù hợp hơn với sự phát triển hiện nay của hệ thống y tế, giúp tối ưu hóa việc phân luồng khám, chữa bệnh và cải thiện chất lượng phục vụ cho người dân.
Đồng thời, hướng đi mới của ngành y tế là xóa bỏ rào cản địa giới hành chính trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Điều này sẽ cho phép người dân khám, chữa bệnh ở bất cứ đâu mà không bị giới hạn bởi địa phương đăng ký ban đầu.
Về đề xuất của một số đại biểu Quốc hội bỏ giấy chuyển tuyến trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức nêu rõ quan điểm chỉ nên bỏ giấy chuyển tuyến đối với trường hợp từ cấp ban đầu lên cấp cơ bản. Tuy nhiên, từ cấp ban đầu hoặc cấp cơ bản lên cấp chuyên sâu (bệnh viện Trung ương và các bệnh viện chuyên ngành sâu) thì cần phải duy trì giấy chuyển tuyến.
Ông cho rằng, giấy chuyển tuyến không chỉ là một thủ tục hành chính mà còn là tài liệu tóm tắt bệnh án, giúp bác sĩ tuyến trên nắm rõ tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, từ đó có phác đồ điều trị chính xác và hiệu quả hơn.
Nếu bỏ giấy chuyển tuyến, nhiều người bệnh sẽ không khám tại các trạm y tế và bệnh viện huyện nữa mà đổ dồn lên các bệnh viện tuyến trung ương. Điều này không chỉ làm quá tải các bệnh viện tuyến trên mà còn triệt tiêu hệ thống y tế cơ sở.
“Giấy chuyển tuyến rất quan trọng. Nếu bỏ đi, bệnh nhân sẽ không khám ở trạm y tế hay bệnh viện huyện nữa mà lên thẳng bệnh viện tuyến trung ương như Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức… Khi đó, hệ thống y tế cơ sở sẽ bị triệt tiêu chỉ sau 1-2 năm”, ông Nguyễn Tri Thức nhận định.
Theo Thứ trưởng Y tế, nếu giấy chuyển tuyến bị bỏ, áp lực bệnh nhân tại các bệnh viện tuyến Trung ương sẽ tăng đột biến. Ông nêu thí dụ về các bác sĩ giỏi tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Việt Đức hay Bạch Mai, những người chỉ có thể mổ được 1 ca đặc biệt mỗi ngày do các ca phẫu thuật này kéo dài từ 6-8 tiếng. Nếu bệnh nhân từ khắp nơi đổ về tuyến chuyên sâu, các bác sĩ sẽ không thể đáp ứng được lượng bệnh nhân lớn, dẫn đến “vỡ trận” ở các bệnh viện tuyến trên.
Thứ trưởng cũng chia sẻ về tác động tiêu cực đến chất lượng khám, chữa bệnh nếu không duy trì giấy chuyển tuyến. “Trước đây, một bác sĩ khám khoảng 20 bệnh nhân mỗi ngày, nhưng nếu bỏ giấy chuyển tuyến, số bệnh nhân chờ khám có thể lên đến 200 người mỗi ngày. Khi đó, không có bác sĩ nào khám nổi”, ông cảnh báo.
Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Hệ thống y tế cơ sở chính là tuyến đầu trong phòng, chống dịch, và việc phát triển y tế cơ sở sẽ giúp người dân được chăm sóc y tế tại địa phương mà không cần lên tuyến trên.
Ông cũng khẳng định rằng, hiện nay, các quy định về chuyển tuyến đã được nới lỏng, không còn những rào cản về kinh phí giữa các bệnh viện tuyến dưới và tuyến trên. Điều này đã giúp các cơ sở y tế chuyển tuyến dễ dàng hơn, mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân.
Nguồn: https://nhandan.vn/hoan-tien-khi-nguoi-benh-tu-mua-thuoc-do-thieu-thuoc-vat-tu-y-te-bao-dam-quyen-loi-cho-nguoi-co-the-bhyt-post838442.html