Người cao tuổi luôn là đối tượng được quan tâm trong xã hội về thể chất lẫn tinh thần. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo các cấp ngành, địa phương thực hiện tốt công tác chính sách, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, chi trả kịp thời, đầy đủ chế độ trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi.
Hệ thống pháp luật Việt Nam về quyền của người cao tuổi
Trong tương quan so sánh giữa pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về người cao tuổi có thể thấy tính tương thích thể hiện rất rõ nét và toàn diện.
Quyền của người cao tuổi Việt Nam được thể hiện trong Hiến pháp 2013, Luật Người cao tuổi 2009, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014), Luật Khám chữa bệnh 2009, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007, Luật Việc làm 2009, Luật Người khuyết tật 2010…
Những văn bản này tạo ra khung pháp lý vững chắc bảo đảm những quyền và lợi ích cơ bản sau của người cao tuổi: Quyền không bị phân biệt đối xử (Khoản 3 Điều 37 Hiến pháp 2013 và Khoản 1 Điều 9 Luật Người cao tuổi 2009); Quyền về an sinh xã hội (Điều 3 Luật Người cao tuổi); Quyền có việc làm (Tại điểm đ, khoản 1, Điều 3 Luật Người cao tuổi 2009); Quyền được tham gia vào đời sống văn hóa, xã hội (Điều 15 Luật Người cao tuổi 2009); Quyền được phụng dưỡng, chăm sóc sức khỏe; Quyền được phát huy vai trò trong xã hội (quyền được tôn trọng)…
Công tác trợ cấp xã hội
Công tác trợ cấp xã hội được quán triệt triển khai thực hiện tốt tại các đia phương trên cả nước. Năm 2022, cả nước đã tập trung vận động nguồn lực trên 80 tỷ đồng để chăm sóc đời sống, sức khỏe cho người cao tuổi và có trên 2.000.000 người cao tuổi được hưởng trợ cấp theo quy định tại Nghị định số 20/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng sức khỏe người cao tuổi, các cấp đã tổ chức hướng dẫn thực hiện quy trình theo dõi, thăm khám sức khỏe, lập hồ sơ chăm sóc ban đầu cho người cao tuổi từ Trung ương đến địa phương.
Hằng năm, có 3 triệu người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, gần 4 triệu người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ. Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có khoảng trên 12 triệu người cao tuổi có thẻ BHYT, chiếm 95% tổng số người cao tuổi. Nhà nước chi trả 80% chi phí khi đi khám, chữa bệnh BHYT đúng quy định cho người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng và 100% chi phí khám chữa bệnh cho người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng.
Cùng với chăm sóc, nâng cao sức khỏe thể chất, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người cao tuổi cũng luôn được chú trọng. Hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của người cao tuổi được tăng cường thông qua các câu lạc bộ thơ ca, võ thuật, dưỡng sinh, dân vũ; các giải thể thao, bóng chuyền hơi…
Theo thống kê, hiện cả nước hiện có trên 77.000 câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thu hút 2,5 triệu người cao tuổi tham gia.
Bên cạnh đó, hội người cao tuổi các địa phương đã phối hợp tổ chức chúc thọ, mừng thọ, tặng quà của Chủ tịch nước tới người cao tuổi có độ tuổi từ 70 đến trên 100 tuổi. Trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, các cấp đã thăm hỏi tặng quà cho 1.578.934 người cao tuổi với tổng số tiền trên 267,7 tỷ đồng; 13.116 người cao tuổi tròn 100 tuổi được Chủ tịch nước chúc thọ, mừng thọ. Hoạt động có ý nghĩa này đã kịp thời động viên người cao tuổi sống vui, sống khoẻ, sống hạnh phúc.
Cùng trong năm 2022, nhằm ổn định nơi ở cho người cao tuổi, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phân bổ 500 nhà Đại đoàn kết cho người cao tuổi chưa có nhà/ở nhà tạm tại các địa phương.
Ngoài ra, dưới sự chung tay của cộng đồng, xã hội, công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đạt những kết quả nổi bật. Chỉ riêng Chương trình “Mắt sáng cho người cao tuổi” do Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam phối hợp với bệnh viện Mắt quốc tế DND từ năm 2011 đến nay đã giúp gần 1 triệu người cao tuổi được khám sàng lọc và cấp thuốc miễn phí, hơn 5.000 người cao tuổi được thay thủy tinh thể miễn phí tại hơn 20 tỉnh/thành phố. Trong năm 2022, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể 20 tỉnh thành trên cả nước đã phối hợp với Tập đoàn Đông Dương tặng 40.000 máy đo huyết áp cho người cao tuổi Việt Nam.
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật liên quan đến người cao tuổi được nghiên cứu, sửa đổi hoàn thiện. Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung nội dung về trợ cấp hưu trí xã hội, mở rộng đối tượng người cao tuổi được hưởng thụ chính sách an sinh xã hội.
Cụ thể, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác, thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo; giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi, việc này sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800.000 đến 1 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và BHYT.
Phương Anh