Kinhtedothi - Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đã quy định rõ việc phân quyền phải bằng luật. Cơ quan nhận phân cấp chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân cấp...
Tại phiên họp chiều 12/2, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình về Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), trong đó cho biết, Dự thảo Luật gồm 7 chương, 50 điều (giảm 93 điều so với Luật hiện hành), đặc biệt đã quy định một chương riêng về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp. Đây là cơ sở để các luật chuyên ngành khi quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương và các cơ quan Nhà nước ở địa phương trong các ngành, lĩnh vực cụ thể phải bảo đảm phù hợp.
Dự thảo Luật quy định rõ, việc phân quyền phải bằng luật. Cơ quan Nhà nước cấp trên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát, kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền cho chính quyền địa phương các cấp.
Chính quyền địa phương tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền; đồng thời được phân cấp, uỷ quyền các nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được phân quyền, trừ trường hợp luật quy định không được phân cấp, ủy quyền.
Về phân cấp, Dự thảo Luật mở rộng và quy định rõ chủ thể được phân cấp và chủ thể nhận phân cấp; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan phân cấp trong việc bảo đảm các điều kiện để thực hiện việc phân cấp. Trong đó, cơ quan nhận phân cấp chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân cấp nếu cơ quan phân cấp đã bảo đảm các điều kiện theo quy định.
Quy định này nhằm tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan trong phạm vi thẩm quyền của mình rà soát và đẩy mạnh việc thực hiện phân cấp thẩm quyền kèm theo các điều kiện bảo đảm thực hiện.
Dự thảo Luật cũng mở rộng và quy định rõ chủ thể được ủy quyền và chủ thể nhận ủy quyền. Theo đó, quy định rõ yêu cầu của việc ủy quyền (ủy quyền phải bằng văn bản hành chính của cơ quan ủy quyền), quy định một số nhiệm vụ không được ủy quyền...
Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp, thực hiện nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm” và tránh quy định chồng chéo, trùng lặp nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp chính quyền địa phương và giữa các cơ quan của chính quyền địa phương, Dự thảo Luật quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND ở mỗi đơn vị hành chính theo hướng: phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa HĐND và UBND; phân định nhiệm vụ, quyền hạn của tập thể UBND và cá nhân Chủ tịch UBND nơi tổ chức cấp chính quyền địa phương theo hướng tăng nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm cho cá nhân Chủ tịch UBND.
Cùng với đó, Dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như Luật hiện hành. Tại tất cả các đơn vị hành chính các cấp tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương. Quy định này để bảo đảm việc tiếp tục thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại một số thành phố trực thuộc Trung ương theo Luật Thủ đô và các Nghị quyết của Quốc hội.
Trình bày báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục duy trì mô hình tổ chức chính quyền địa phương như quy định của Luật hiện hành và các luật, nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị.
Cùng với đó, Ủy ban Pháp luật tán thành với việc tiếp tục hoàn thiện các quy định về phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương (chương III) nhằm cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương (chương IV), Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành với việc thể hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND các cấp như Luật hiện hành; đồng thời đề nghị tiếp tục rà soát, chỉnh lý các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp trong Dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất với hệ thống pháp luật và tính ổn định, lâu dài của Luật.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/luat-to-chuc-chinh-quyen-dia-phuong-sua-doi-bao-dam-nguyen-tac-ro-nguoi-ro-viec.html
Bình luận (0)