Hiện nay phần lớn diện tích lúa trên địa bàn tỉnh đang trong thời kỳ sinh trưởng phát triển đẻ nhánh và làm đòng trổ bông. Để bảo đảm đủ nước cho nhu cầu sinh trưởng và phát triển của cây lúa, chủ động đối phó với dịch bệnh gây hại trên lúa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị quản lý, khai thác các công trình thủy lợi tập trung thực hiện một số giải pháp.
Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, tăng cường kiểm tra đồng ruộng, kịp thời phát hiện khu vực xảy ra thiếu nước cục bộ để cấp nước tránh gây hạn giả tạo, kiểm tra phát hiện diện tích lúa bị dịch bệnh, chủ động phối hợp trong việc bơm, dẫn nước phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh gây hại trên lúa.
Đồng thời, các địa phương phối hợp chặt chẽ với các công ty thực hiện nghiêm túc phương án tưới, lịch tưới đã đề ra. Bố trí cán bộ, công nhân và lao động của các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ thường trực tại các công trình để sẵn sàng chủ động cấp đủ nước tưới phục vụ sản xuất trước, trong và sau dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5.
Đối với các công ty quản lý và khai thác các công trình thủy lợi, tập trung chỉ đạo cấp nước tưới phục vụ chống hạn trong thời kỳ lúa đẻ nhánh, làm đòng trổ bông và phòng chống dịch bệnh gây hại trên lúa.
Các công ty phối hợp với UBND huyện, xã và các tổ chức dùng nước tuyên truyền công khai lịch tưới rộng rãi, phối hợp chặt chẽ trong việc điều hành dẫn nước, điều phối nước tưới hợp lý, thuận tiện cho phòng chống dịch bệnh, không để xảy ra tình trạng thiếu nước phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh gây hại trên lúa. Đồng thời, phân công cụ thể cho từng cán bộ kỹ thuật phụ trách khu tưới.
Cùng với đó, các công ty cần kiểm soát chặt chẽ độ mặn ở vùng ảnh hưởng triều, xâm nhập mặn trước khi lấy nước. Đóng, mở các cống hợp lý để giữ ngọt, ngăn mặn, hạn chế tối đa xâm nhập mặn. Tranh thủ tích trữ nước vào các ao đầm, kênh, sông nội địa khi nguồn nước cấp còn có thể khai thác được.
Ngoài ra, các công ty phải phân công trực ngày nghỉ lễ 30-4, 1-5 tại các công trình đầu mối đảm bảo đủ số cán bộ công nhân viên tối thiểu thường trực tại các công trình.
Đối với Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 3, phối hợp chặt chẽ với Công ty CP Xây dựng và Năng lượng VCP, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển điện Bắc Miền Trung căn cứ mực nước hồ hiện tại điều chỉnh lưu lượng vận hành xả nước hồ Cửa Đạt theo quy định tại Điều 15, Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Mã bảo đảm phù hợp nhu cầu tưới thực tế, tiết kiệm.
Ban cần có kế hoạch làm việc với Công ty CP thủy điện Hủa Na để xả nước đúng quy trình, tăng cường xả nước xuống hạ du khi cần thiết. Cùng với đó, triển khai lập phương án, kế hoạch sử dụng nước phần dung tích chết của hồ Cửa Đạt trình duyệt theo quy định để chống hạn cuối vụ Xuân và đầu vụ Mùa; trong đó, nêu cụ thể phương án vận hành qua cửa van thủy lợi thủy điện Cửa Đạt và cửa van thủy lợi Tuynel Dốc Cáy.
Ban phối hợp với Công ty TNHH MTV Sông Chu và Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Sông Mã để có kế hoạch cấp nước tưới cho phù hợp với nhu cầu và lịch tưới thực tế.
Hương Thơm