Theo thống kê, trên địa bàn huyện Hậu Lộc có khoảng 1.000 trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đem lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích kinh tế thì môi trường cũng đang là một trong những vấn đề nan giải.
Khu trang trại chăn nuôi tại thôn Minh Hùng, xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc.
Đơn cử, vào cuối tháng 12-2022 quá bức xúc trước thực trạng ô nhiễm môi trường tại cụm trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp thôn Phú Thành, xã Minh Lộc, bà con trong thôn đã làm đơn phản ánh lên UBND huyện. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc đã giao Phòng Tài nguyên và Môi trường tiến hành xác minh phản ánh của bà con Nhân dân. Kết quả cho thấy, những phản ánh của người dân là hoàn toàn đúng với thực tế. Đường rãnh thoát nước thải của cụm 5 trang trại trên địa bàn 2 thôn Minh Hùng và Phú Thành đang được đấu nối vào mương tiêu thoát nước của địa phương, sau đó chảy ra sông Lèn, gây ô nhiễm môi trường.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc đã nghiêm cấm các trang trại xả nước thải, chất thải vào hệ thống mương tiêu thoát nước của địa phương và các khu vực khác nằm ngoài phần diện tích của trang trại. Các chủ trang trại khẩn trương tiến hành các biện pháp cải tạo hệ thống xử lý chất thải, lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường… Nếu tiếp tục xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường gây bức xúc Nhân dân, Chủ tịch UBND huyện sẽ kiên quyết tiến hành đình chỉ hoạt động, xử lý theo quy định.
Qua tìm hiểu được biết, trước đó (năm 2008) 12 trang trại chăn nuôi lợn được xây dựng trên địa bàn 2 thôn Minh Hùng và Phú Thành đi vào hoạt động. Kể từ đây môi trường trở thành một trong những vấn đề nhức nhối của địa phương. Đặc biệt, trong cụm trang trại chăn nuôi này có tới 7 trang trại chăn nuôi lợn ở gần khu dân cư, quá trình hoạt động gây mùi hôi thối, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. UBND huyện Hậu Lộc đã yêu cầu các chủ trang trại chuyển đổi mô hình từ chăn nuôi lợn sang chăn nuôi gia cầm.
Chủ tịch UBND xã Minh Lộc Đoàn Văn Nga khẳng định: Tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng luôn được địa phương quan tâm, chú trọng. Trường hợp 5 trang trại chăn nuôi lợn đóng trên địa bàn 2 thôn Minh Hùng và Phú Thành sau nhiều phản ánh từ Nhân dân, sự vào cuộc của các ngành chức năng, chính quyền địa phương, đến nay vấn đề môi trường đã có sự chuyển biến nhất định. Các chủ trang trại đã chú trọng trong đầu tư các hạng mục xử lý, cũng như kịp thời hỗ trợ bà con Nhân dân khi diện tích trồng lúa bị ảnh hưởng.
Xác định chăn nuôi phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, ông Hoàng Thanh Hà ở thôn Giữa, xã Phú Lộc, cho biết: Bên cạnh đầu tư hệ thống máng ăn, nước uống tự động, máy hút mùi, gia đình ông còn sử dụng đệm lót sinh học và hàng tháng phun thuốc khử mùi, khử khuẩn cho chuồng trại. Theo ông, việc đảm bảo môi trường chăn nuôi không chỉ tạo không khí trong lành mà chuồng trại được vệ sinh thường xuyên cũng giúp cho vật nuôi được khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh, phát triển tốt. Bình quân mỗi năm gia đình nuôi 3 lứa gà, mỗi lứa khoảng 40.000 con, với giá bán hiện tại là 55.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi lứa thu về khoảng 100 triệu đồng.
Thực tế cho thấy, dù các đơn vị chức năng cũng như chính quyền các địa phương đã nỗ lực với nhiều giải pháp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, nhưng những vi phạm trong lĩnh vực này vẫn tái diễn, đặc biệt là hệ lụy từ việc chăn nuôi nông hộ trong khu dân cư. Để giảm thiểu vấn đề môi trường, ngoài công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về môi trường của người chăn nuôi thì việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm cũng cần phải diễn ra thường xuyên. Bên cạnh đó, quy hoạch xây dựng trang trại cách xa khu dân cư theo quy định; sử dụng các chế phẩm sinh học để vệ sinh chuồng trại thường xuyên; đầu tư xây dựng hệ thống điều hòa thông gió để khử mùi, xử lý chất thải bằng hầm biogas, làm đệm lót sinh học… được xem là những giải pháp đem lại hiệu quả.
Bài và ảnh: Đình Giang