Tiếp tục hoàn thiện cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm
Theo các đại biểu, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là một hình thức giám sát quan trọng đang được quy định tại Nghị quyết số 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Thực tiễn cho thấy, việc lấy phiếu tín nhiệm đem lại hiệu quả tích cực trong kiểm soát việc thực thi quyền hạn, trách nhiệm của những người giữ các chức vụ, chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Trong sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân lần này, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông cho rằng, đây là cơ hội tốt để nghiên cứu luật hóa một số nội dung cốt lõi của Nghị quyết 96/2023/QH15, tạo cơ sở pháp lý cao hơn và ổn định hơn cho hoạt động lấy phiếu tín nhiệm do Quốc hội, HĐND thực hiện theo quy định. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị, cần nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội.
Cụ thể, Điều 13, Luật Tổ chức Quốc hội quy định 4 trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm. Trong đó, điểm b, điểm c, khoản 1, Điều 13 quy định, khi có kiến nghị của ít nhất 20% tổng số ĐBQH có kiến nghị của Hội đồng Dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội…, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy định về quy trình, thủ tục để đạt được ít nhất 20% tổng số ĐBQH đề nghị cũng như quy trình, thủ tục để Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có thể đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nếu có ít nhất 20% tổng số ĐBQH hoặc Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội không tín nhiệm.
“Do vậy, cần sớm hoàn thiện cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, từ đó mới đáp ứng yêu cầu kiểm soát quyền lực theo chủ trương của Đảng”, ông Lê Minh Thông kiến nghị.
Cùng quan tâm về bỏ phiếu tín nhiệm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường nêu vấn đề: Điều 34, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 chưa phù hợp với Nghị quyết 96/2023/QH15. Theo Điều 34, “khi người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số ĐBQH trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp”, thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm; người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số ĐBQH đánh giá không tín nhiệm có thể xin từ chức; trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức đối với người đó”.
Trong khi đó, điểm d, khoản 1, Điều 13, Nghị quyết 96/2023/QH15 quy định: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá tín nhiệm thấp”. Điều 12 quy định “người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức; trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực HĐND trình HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp gần đó hoặc kỳ họp gần nhất; người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.
Vì vậy, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hiện hành phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 96/2023/QH15 và các văn bản của Đảng có liên quan.
Phải là những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng
Cho rằng, trong Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội có một chế định rất quan trọng chưa được “kích hoạt” đó là Ủy ban lâm thời, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông nêu rõ, đây là một cơ chế để Quốc hội tiến hành điều tra bất kỳ vụ việc nào mà Quốc hội thấy cần thiết.
Thực tế, Luật Tổ chức Quốc hội có quy định 3 trường hợp để thành lập Ủy ban lâm thời. Thứ nhất, thẩm tra dự án luật, dự thảo nghị quyết hoặc báo cáo, dự án khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội hoặc có nội dung liên quan đến lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc và nhiều Ủy ban của Quốc hội. Thứ hai, điều tra làm rõ về một vấn đề cụ thể khi xét thấy cần thiết. Thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập Ủy ban lâm thời theo đề nghị của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội hoặc ít nhất 1/3 tổng số ĐBQH. Tuy nhiên, theo ông Lê Minh Thông, quy định này còn rất chung chung, đơn cử như trong trường hợp nào thì cần thiết để điều tra làm rõ về một vấn đề cụ thể (?).
Vì vậy, trong lần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật lần này, cần cụ thể hóa rõ trường hợp nào, điều kiện nào thì Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời nhằm điều tra, làm rõ một vụ việc khi xét thấy cần thiết. Nếu “kích hoạt” được cơ chế này, thì sức mạnh của Quốc hội sẽ tăng lên rất lớn, đây cũng là một trong những công cụ để Quốc hội kiểm soát quyền lực, ông Lê Minh Thông nói.
Ghi nhận các ý kiến, kiến nghị trách nhiệm, sắc sảo của các đại biểu và chuyên gia tham dự Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, cơ quan soạn thảo cần bám sát các chủ trương lớn của Đảng, bảo đảm giám sát phải là trọng tâm, then chốt trong hoạt động của Quốc hội. Giám sát để kiến tạo, truy đến cùng nhưng phải kiến tạo đến cùng và có những phản ứng chính sách linh hoạt, cùng cơ quan hành pháp, tư pháp và các cơ quan quyền lực nhà nước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên thực tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cần bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 27 – NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới; từ đó, xác định rõ trọng tâm sửa đổi Luật. Ví dụ gắn hoạt động giám sát với lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước thì cần quy định nội dung gì; chất vấn, giải trình, giám sát ban hành văn bản quy phạm pháp luật… cần quy định vấn đề gì; việc xem xét các nghị quyết, kết luận sau giám sát, lấy phiếu tín nhiệm… Trên cơ sở rà soát các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chọn được vấn đề luật hóa theo tinh thần: Phải là những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng, tạo được sự đồng thuận cao.