Trong điều kiện vùng đồng bào DTTS, hầu hết các diện tích đất đã được giao đến các chủ sử dụng đất. Việc tăng cơ học về dân số, nhu cầu về đất của đồng bào ngày càng tăng, trong khi quỹ đất của các địa phương để giải quyết không nhiều và có xu hướng bị thu hẹp. Trước thực trạng này, việc thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào là nhiệm vụ cấp bách.
Theo TS. Lê Sơn Hải – Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất trên địa bàn các tỉnh vùng đồng bào DTTS&MN từ năm 2003-2016 đã hỗ trợ đất ở cho 93.664 hộ, đất sản xuất cho 107.827 hộ. Giai đoạn 2017-2020, về hỗ trợ đất ở có 46 tỉnh đã hỗ trợ được 9.523 hộ, diện tích 72 ha, với nguồn vốn từ ngân sách địa phương là 189.266 triệu đồng, trong đó: các tỉnh được phân bổ nguồn ngân sách Trung ương đã hỗ trợ được 9.362 hộ, 63 ha với nguồn kinh phí là 187.859 triệu đồng; các tỉnh tự cân đối ngân sách địa phương đã hỗ trợ cho 161 hộ, với 9 ha, kinh phí là 1.407 triệu đồng.
Về hỗ trợ đất sản xuất có 46 tỉnh đã hỗ trợ được 3.900 hộ, diện tích 1.283 ha, với nguồn vốn đầu tư là 30.205 triệu đồng, vốn vay là 38.792 triệu đồng, trong đó: các tỉnh được phân bổ nguồn ngân sách Trung ương đã hỗ trợ được 1.929 hộ, diện tích 1.112 ha, với nguồn vốn đầu tư là 13.823 triệu đồng, vốn vay là 35.107 triệu đồng; các tỉnh tự cân đối ngân sách địa phương đã hỗ trợ cho 1.971 hộ, diện tích 172 ha, với nguồn vốn đầu tư là 16.382 triệu đồng, vốn vay là 3.685 triệu đồng.
Từ năm 2021 đến nay, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và các nội dung ổn định dân cư có liên quan đến đất đai đối với đồng bào DTTS được thực hiện theo Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025. Các nội dung hỗ trợ cụ thể đang được Ủy ban Dân tộc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai, thực hiện.
Cũng theo Thứ trưởng, mặc dù đã triển khai, thực hiện nhiều chính sách, pháp luật hỗ trợ về đất đai đối với vùng đồng bào DTTS&MN, tuy nhiên đến nay vấn đề đất đai trên địa bàn vùng DTTS&MN vẫn tồn tại nhiều khó khăn, bức xúc chưa được giải quyết triệt để, như: vấn đề đất đai của các nông – lâm trường quốc doanh hoạt động kém hiệu quả; một bộ phận không nhỏ đồng bào DTTS còn thiếu đất ở, đất sản xuất, nơi ở không ổn định và có nguy cơ ảnh hưởng bởi thiên tai; dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, thoát nghèo thiếu bền vững; khoảng cách về mức sống và trình độ phát triển giữa các vùng miền chậm được thu hẹp; phát triển sản xuất còn bị ảnh hưởng bởi tư duy tự cung tự cấp, manh mún, nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Bên cạnh đó, nhiều chính sách ban hành đã đề ra nhiều mục tiêu rất lớn, dự kiến nguồn lực cao, tuy nhiên hầu hết trong quá trình thực hiện chưa đạt các mục tiêu và chỉ tiêu đã đề ra, nguồn lực cấp không kịp thời và không đủ.
Theo TS. Lê Sơn Hải, có nhiều nguyên nhân khác nhau ảnh hưởng đến vấn đề đất đai trên địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN nói chung, tuy nhiên một trong những nguyên nhân cơ bản đó là: Luật Đất đai năm 2013 quy định “Trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số” còn chung chung, không giao chi tiết, chưa quy định vấn đề đảm bảo nguồn lực để cụ thể hóa Luật; một số văn bản dưới luật đã quy định và giao nhiệm vụ cụ thể nhưng chưa có tính bắt buộc; nguồn ngân sách thực hiện các chương trình, chính sách để cụ thể hóa Luật Đất đai vừa thiếu và không kịp thời, dẫn đến hiệu quả chưa cao.
Nhiều địa phương không còn quỹ đất để cấp cho người dân, hoặc còn quỹ đất nhưng phải đầu tư kinh phí lớn để cải tạo mới có thể sử dụng; đất phân tán, rải rác ở nơi xa; thường là đất xấu hoặc thiếu nguồn nước, sản xuất khó khăn, kém hiệu quả. Có nơi giá đất quá cao so với mức hỗ trợ theo quy định hiện hành nên không thể thực hiện được.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai đối với đồng bào DTTS ở một số địa phương còn hạn chế, thiếu kiên quyết, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức còn yếu; khảo sát, quy hoạch đất hỗ trợ cho hộ DTTS có nơi chưa sát với nhu cầu thực tế, thiếu khả thi, nên một số tỉnh đã đề nghị xin chuyển nguồn kinh phí hỗ trợ đất sản xuất sang xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung.
Việc rà soát, thu hồi đất của các nông – lâm trường hoạt động kém hiệu quả để tạo quỹ đất hỗ trợ cho các hộ DTTS triển khai chậm; mặt khác, vùng đồng bào DTTS có diện tích rừng khá lớn nhưng chủ yếu là rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, vườn quốc gia, khu vực bảo vệ nghiêm ngặt chưa có giải pháp khai thác tốt loại rừng này trong phát triển kinh tế; diện tích rừng giao cho cộng đồng quản lý hưởng lợi còn ít…
Theo điều tra thống kê năm 2019, cả nước còn khoảng 52.456 hộ đồng bào DTTS thiếu đất ở và nhà ở; 210.400 hộ thiếu đất sản xuất có nhu cầu hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất; 462.061 hộ thiếu đất sản xuất có nhu cầu hỗ trợ chuyển đổi nghề.