Tập trung hai nhóm vấn đề cơ bản
Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là chủ trương nhất quán và xuyên suốt thời kỳ đổi mới do Đảng ta khởi xướng từ Đại hội XI trở lại đây. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược. Các chủ trương, định hướng về phát triển nhân lực, nhân lực chất lượng cao được quy định ở rất nhiều văn bản của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan. Do đó, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chuyên đề giám sát này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, chuyên đề giám sát này vừa có ý nghĩa thực tiễn vừa có ý nghĩa chính trị sâu sắc, đóng góp vào việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết có liên quan. Chuyên đề giám sát được triển khai vào đúng thời điểm từ trung ương cho đến địa phương đang tiến hành đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng, chuẩn bị các văn kiện nhằm xác định phương hướng trong nhiệm kỳ tới. Chính vì lẽ đó, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” sẽ là dịp để các địa phương tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện lĩnh vực này, từ đó xác định nhiệm vụ, giải pháp trong tâm trong nhiệm kỳ tiếp theo.
Theo báo cáo của Đoàn giám sát về một số nội dung của dự thảo Kế hoạch giám sát và các Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát, phạm vi nội dung giám sát sẽ tập trung vào hai nhóm vấn đề cơ bản gồm: phát triển nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao; sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Từ thực tiễn các Đoàn giám sát chuyên đề vừa qua và ý kiến của các Đoàn Đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị, Đoàn giám sát chỉ đạo Tổ giúp việc tập hợp các văn bản của Đảng, các quy định pháp luật, các tài liệu có liên quan, để trên cơ sở đó tiến hành giám sát có hệ thống.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, chuyên đề giám sát có phạm vi nội dung rộng, nhiều nội dung chuyên sâu liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Do đó, căn cứ vào chức năng giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Đoàn giám sát, cơ quan thường trực của Đoàn giám sát phải bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu giám sát; tiếp tục rà soát, bảo đảm nội dung tiếp cận theo nhóm các vấn đề lớn, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải và hệ thống hóa được các tài liệu từ chủ trương cho đến các cơ chế, chính sách có liên quan đến lĩnh vực này.
Kế hoạch giám sát phải khoa học, hợp lý
Về phương thức giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị Đoàn giám sát phát huy cách làm đã chứng minh hiệu quả từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay, cụ thể là cử các tổ công tác đến làm việc trước với các bộ, ngành, địa phương. “Nhiều Đoàn giám sát chuyên đề của chúng ta đã áp dụng cách thức này và cho thấy rất hiệu quả. Tổ công tác có thể đi sâu, thời gian lâu hơn, người ít hơn, nhưng nếu làm tốt thì lượng thông tin sẽ nhiều hơn”. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, việc cử các tổ công tác đến làm việc với đối tượng chịu sự giám sát nên giao cho Trưởng Đoàn giám sát quyết định. Tới đây, khi sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cũng nên giao cho Trưởng đoàn quyết định thành lập các đoàn hoặc tổ công tác để tiến hành làm việc trực tiếp ở các bộ, ngành và địa phương.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị rà soát kế hoạch giám sát để bảo đảm tính khoa học, thống nhất, trong đó cần lưu ý việc có yêu cầu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giám sát và có báo cáo với Đoàn giám sát hay không. Bên cạnh đó, việc xác định các địa phương đến giám sát cũng có thể nghiên cứu để “mở”, sau này khi một số báo cáo của các đơn vị gửi về Đoàn giám sát thấy ở đó có vấn đề hoặc qua theo dõi nắm tình hình thấy cần phải giám sát thêm ở địa phương đó thì Đoàn giám sát sẽ bố trí giám sát, tạo sự chủ động hơn so với việc đưa cứng vào kế hoạch.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng lưu ý, trong đề cương báo cáo của Đoàn giám sát có mục 1 đánh giá về thực trạng nguồn nhân lực cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập; đề nghị cân nhắc nội dung này vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến về báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 – 2023”, trong đó đã có nhiều đánh giá rất quan trọng về nguồn nhân lực và cũng đã đề xuất sửa đổi Luật Viên chức, Nghị định 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, đào tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ… Cho rằng, có thể xem xét kế thừa, tham khảo thêm kết quả của chuyên đề giám sát này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đề nghị cần có đánh giá về công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với nguồn nhân lực chất lượng cao và nguồn nhân lực nói chung.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, kế hoạch chi tiết và các chương trình hoạt động phải được cụ thể, thể hiện khoa học, hợp lý hơn, vì đây là chuyên đề khó, nội dung rộng, thời gian giám sát ngắn, công việc nhiều, yêu cầu đoàn giám sát phải nỗ lực và có kiến nghị thật xác đáng, tạo ra được những chuyển biến mới trong lĩnh vực này.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Đoàn giám sát nghiên cứu kỹ lưỡng tiêu chí lựa chọn các địa phương, cơ quan, đơn vị nơi đoàn đến làm việc, bảo đảm tính toàn diện, tính đại diện, tiết kiệm, khoa học, hiệu quả và không ảnh hưởng đến hoạt động của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan nơi đoàn đến giám sát; phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội để điều hòa hoạt động giám sát, tránh trùng lặp với các đoàn giám sát khác của Quốc hội hay các kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội nghị chuyên trách hoặc các sự kiện lớn của Quốc hội, của Ủy Thường vụ Quốc hội tổ chức.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/bao-dam-co-trong-diem-khoa-hoc-hop-ly-hieu-qua-i385836/