Ngày 22/12, Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin (Cục 2) VKSND tối cao phối hợp với Phòng Bảo vệ trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý kiến, hoàn thiện “Báo cáo tình hình người dưới 18 tuổi là bị can/bị cáo/bị hại trong các vụ án hình sự tại Việt Nam năm 2022”.
Ông Hoàng Minh Tiến, Cục trưởng Cục 2 VKSND tối cao và bà Nguyễn Thanh Trúc, Chuyên gia Phòng bảo vệ trẻ em, UNICEF Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc VKSND tối cao cùng đại diện các cơ quan, tổ chức: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Bộ Công an; TAND tối cao; Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) Việt Nam.
Hội thảo nhằm góp ý, hoàn thiện “Báo cáo tình hình người dưới 18 tuổi là bị can/bị cáo/bị hại trong các vụ án hình sự tại Việt Nam năm 2022”; đồng thời, chia sẻ về kỹ năng tổng hợp, thống kế, phân tích thông tin, số liệu thống kê phục vụ xây dựng báo cáo tình hình tội phạm nói chung và Báo cáo tình hình người dưới 18 tuổi phạm tội và bị xâm hại trong các vụ án hình sự giai đoạn tiếp theo nói riêng.
Được biết, Báo cáo tình hình người dưới 18 tuổi là bị can/bị cáo/bị hại trong các vụ án hình sự tại Việt Nam năm 2022 là một trong các nội dung thuộc Chương trình hợp tác giữa VKSND tối cao và UNICEF Việt Nam trong khuôn khổ của Dự án “Tăng cường tư pháp và pháp luật tại Việt Nam” được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu, với đóng góp tài chính từ UNICEF và UNDP. Chương trình do hai cơ quan này của Liên hợp quốc thực hiện, với sự phối hợp của Bộ Tư pháp và các cơ quan của Việt Nam.
Các thông tin nêu trong báo cáo được chia theo từng chương của Bộ luật Hình sự năm 2015; một số tội danh phổ biến mà người dưới 18 tuổi phạm tội; so sánh tình hình người dưới 18 tuổi phạm tội từ năm 2017 đến năm 2022; việc áp dụng hình phạt của Tòa án cấp sơ thẩm; nhân thân và một số tiêu chí khác về người dưới 18 tuổi phạm tội và bị hại trong các vụ án hình sự như: Độ tuổi, dân tộc, giới tính, trình độ văn hóa, đồng phạm, tái phạm, việc áp dụng biện pháp“tạm giam” đối với người dưới 18 tuổi phạm tội theo các giai đoạn tố tụng, cũng như quan hệ, hậu quả xảy ra…
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Hoàng Minh Tiến, Cục trưởng Cục 2 VKSND tối cao cho biết, Báo cáo tình hình người dưới 18 tuổi là bị can/bị cáo/bị hại trong các vụ án hình sự tại Việt Nam năm 2022 được xây dựng dựa trên cơ sở tổng hợp số liệu thống kê trong toàn Ngành và các cơ quan, đơn vị hữu quan từ thời điểm 01/01 đến 31/12 của năm báo cáo. Nội dung báo cáo nhằm cung cấp một bức tranh tổng thể về tình hình người dưới 18 tuổi phạm tội và bị hại trong các vụ án hình sự trong phạm vi cả nước cũng như từng địa phương tại Việt Nam năm 2022. Đồng thời, qua đó giúp người đọc hiểu sâu hơn về tình hình người dưới 18 tuổi phạm tội vùa người dưới 18 tuổi là bị hại trong các vụ án hình sự năm 2022.
Việc hoàn thiện báo cáo này có có ý nghĩa rất quan trọng, đây là một nguồn thông tin tham khảo có giá trị trong công tác nghiên cứu về lý luận và thực tiễn, giúp các cơ quan chức năng, tổ chức… kịp thời đề xuất, khuyến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước những quan điểm, giải pháp trong hoạch định chính sách pháp luật hình sự, chính sách pháp luật tố tụng hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội và bảo vệ người dưới 18 tuổi bị xâm hại trong các vụ án hình sự tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Thanh Trúc, Chuyên gia Phòng bảo vệ trẻ em, UNICEF Việt Nam cho biết, trong những năm vừa qua, UNICEF đã và đang hỗ trợ Chính phủ không ngừng hoàn thiện hệ thống thống kể để có thể theo dõi về tình hình trẻ em Việt Nam dựa trên các số liệu chính xác và cập nhật, trong đó có việc lồng ghép các chỉ số tư pháp người chưa thành niên vào hệ thống thống kê tư pháp của quốc gia. Một hệ thống thu thập số liệu về trẻ em chính xác, cập nhật là điều kiện cần thiết để công tác hoạch định chính sách và ban hành pháp luật có thể bám sát thực tiễn và mang tính khả thi, nhằm thực hiện hiệu quả các quyền cơ bản của trẻ em theo Công ước Quyền trẻ em của Liên hợp quốc.
Bà Nguyễn Thanh Trúc tin tưởng những con số cụ thể được nêu trong báo cáo này sẽ là cơ sở, bằng chứng đáng tin cậy cho những cuộc thảo luận về tình hình người chưa thành niên trong hệ thống tư pháp cũng như các giải pháp khả thi trong hoàn thiện chính sách, pháp luật và phát triển dịch vụ nhằm thúc đẩy tiếp cận tư pháp cho người chưa thành niên. Các số liệu về tư pháp người chưa thành niên sẽ được VKSND tối cao tổng hợp, phân tích và công bố hàng năm để cho phép thường xuyên giảm sát tỉnh hình người chưa thành niên trong hệ thống tư pháp và hỗ trợ các nỗ lực xây dựng một hệ thống tư pháp thân thiện với người chưa thành niên ở Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, góp ý chuyên sâu, đánh giá một cách khách quan, khoa học về các vấn đề trọng tâm như: Tiêu chí thống kê về người dưới 18 tuổi phạm tội và người dưới 18 tuổi là bị hại trong các vụ án hình sự để có những đề xuất, kiến nghị nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý, khai thác, sử dụng mang tính thời sự hiện nay và trong tương lai hiệu quả hơn; kiến nghị, đề xuất nhằm hoàn thiện cơ chế thu thập, quản lý, chia sẻ dữ liệu về người dưới 18 tuổi phạm tội và người dưới 18 tuổi là bị hại trong các vụ án hình sự.
Trao đổi để hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong việc xây dựng, chia sẻ dữ liệu quốc gia về người dưới 18 tuổi phạm tội và người dưới 18 tuổi là bị hại trong các vụ án hình sự; bàn các giải pháp, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, nhất là Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường tư pháp và pháp luật tại Việt Nam”; hỗ trợ của Chính phủ Australia thông qua Dự án “Chấm dứt bạo lực đối với Phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam 2021-2025”… để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế thu thập, phân tích, quản lý và chia sẻ số liệu về người dưới 18 tuổi phạm tội và người dưới 18 tuổi là bị hại trong các vụ án hình sự trong thời gian tới tại Việt Nam.
Vi Minh