Chiều 5/3, tiếp tục chương trình làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, sau khi cho ý kiến về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Đảng đoàn Quốc hội đã cho ý kiến về 2 nội dung quy hoạch gồm: Đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đồng chủ trì buổi làm việc.
Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các Ủy viên Trung ương Đảng là Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Bộ trưởng một số bộ, ngành T.Ư.
Về phía Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cùng các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy.
Tại hội nghị, các đại biểu đã xem 2 phóng sự giới thiệu những nội dung chủ yếu của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Xây dựng Hà Nội ngang tầm với Thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới
Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị đã xác định phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”. Để thực hiện mục tiêu đặt ra, toàn bộ nội dung, phương hướng quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội phải lấy các yếu tố văn hóa, văn hiến, văn minh, hiện đại của Thăng long – Hà Nội như là triết lý phát triển.
Trên cơ sở đó, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ 5 quan điểm phát triển, trong đó, Hà Nội phát triển dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhanh, bền vững, bao trùm, trở thành cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt, là hình mẫu và lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng động lực phía Bắc và cả nước; xây dựng Hà Nội thực sự là Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, giàu về kinh tế, đẹp về cảnh quan, ngang tầm với Thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới.
Cùng đó, phát huy nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực, động lực và mục tiêu của phát triển; lấy mục tiêu đáp ứng yêu cầu của quảng đại nhân dân trên nguyên tắc đa số đồng thuận. Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, kết hợp khai thác hợp lý, có hiệu quả những lợi thế đặc thù của thiên nhiên; phát triển bền vững trên nguyên tắc “thuận thiên” và tuân thủ các quy luật thị trường; lấy tiêu chí phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kiểm soát chất lượng môi trường hướng đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” làm tiêu chuẩn phát triển…
Trong khi đó, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã cụ thể hóa mục tiêu phát triển bằng các chiến lược phát triển; xác định cụ thể các nội dung trọng tâm kế thừa, điều chỉnh và đề xuất mới; bảo đảm thống nhất và đồng bộ với nghiên cứu của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đáng chú ý, Đồ án nêu 9 nội dung đề xuất chương trình, dự án đột phá, trọng tâm; trong đó, bên cạnh mục tiêu xây dựng phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới về năng lực phát triển kinh tế, trình độ nghiên cứu và triển khai, phát triển văn hóa, điều kiện sống tốt, môi trường đô thị và khả năng tiếp cận và sử dụng giao thông công cộng, phải tập trung xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, là trung tâm văn hóa sáng tạo. Sông Hồng hội tụ các yếu tố về tự nhiên, văn hóa lịch sử và tầm vóc để so sánh với các đô thị lớn của thế giới, các nền văn minh lớn của quốc tế, xứng tầm để quy hoạch phát triển trở thành biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.
Phát triển sông Hồng trở thành không gian phát triển, không gian sinh thái, không gian văn hóa, không gian kinh tế, nơi thể hiện các biểu tượng phát triển của Thủ đô Hà Nội về dịch vụ, khoa học, công nghệ, văn hóa, không gian kiến trúc của Hà Nội theo từng thời kỳ phát triển. Trục sông Hồng được xây dựng trở thành trung tâm hội tụ, là mặt tiền, điểm nhấn quan trọng của vùng đô thị hóa Đồng bằng sông Hồng.
Ngoài ra, đồ án cũng xác định áp dụng mô hình “Thành phố trong Thủ đô” để tạo các cơ chế chính sách đặc thù vượt trội cho khu vực phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai), phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và dự kiến phía Nam (Phú Xuyên, Ứng Hòa). Đồng thời, dự trữ không gian, hạ tầng để phát triển Cảng hàng không thứ 2 – Vùng Thủ đô Hà Nội tại phía Nam…
Báo cáo thêm về các nội dung liên quan, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, dự kiến theo lộ trình, trong tháng 4 sắp tới, Thành ủy sẽ trực tiếp báo cáo Bộ Chính trị về 2 quy hoạch này. Sau đó, trên cơ sở ý kiến của Bộ Chính trị tiếp tục hoàn thiện 2 quy hoạch để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.
Nên hình thành sớm hơn Cảng hàng không số 2 vùng Thủ đô
Trao đổi thảo luận về 2 nội dung quy hoạch, lãnh đạo Đảng đoàn Quốc hội, đại diện các bộ: Kế hoạch & Đầu tư, Xây dựng đều đánh giá cao chất lượng nội dung 2 quy hoạch, cũng như tinh thần trách nhiệm, hiệu quả phối hợp của thành phố Hà Nội trong quá trình lấy ý kiến, tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, chuyên gia và hoàn thiện nội dung quy hoạch. Bên cạnh đó, lãnh đạo các bộ, ngành cũng đề nghị một số nội dung nhằm hoàn thiện thêm các quy hoạch để bảo đảm tính khả thi.
Phát biểu ý kiến định hướng về 2 nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu một số vấn đề cần tập trung rà soát, hoàn thiện để bảo đảm chất lượng và sự đồng bộ của hai bản quy hoạch. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải rà soát kỹ các số liệu làm căn cứ để xây dựng quy hoạch gồm dân số, lao động, việc làm, dân số vãng lai, sinh viên, lực lượng vũ trang và khách du lịch để bảo đảm tính thực tiễn, khoa học và phải khớp giữa hai quy hoạch.
Hà Nội phải phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục & Đào tạo để có số liệu chính xác, bảo đảm đúng, đủ, sạch, sống. Đồng chí yêu cầu phải rà soát kỹ nội dung Nghị quyết số 30-NQ/TƯ ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, cần phải hiểu rằng các quy hoạch này chính là sự cụ thể hóa các chủ trương quan trọng này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, phải làm sâu sắc hơn sự cần thiết phải điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, cũng như bảo đảm sự tương thích giữa 2 quy hoạch và giữa quy hoạch Hà Nội với quy hoạch vùng.
Đánh giá cao đề xuất dành không gian để xây dựng Cảng hàng không thứ 2 ở khu vực phía Nam vùng Thủ đô, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị, phải tính toán hình thành sớm hơn, không nên đợi đến năm 2040 như trong đồ án quy hoạch.