Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi con người vừa là mục tiêu, động lực của quá trình phát triển đất nước, vừa là trung tâm của các chính sách kinh tế – xã hội. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều phấn đấu phục vụ cho con người, tất cả vì con người.
Điều 3 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ̣ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.
Việc nâng cao chất lượng thụ hưởng các quyền con người nói chung, quyền kinh tế, xã hội và văn hóa nói riêng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh gọn bộ máy, để bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa ở nước ta, hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, cụ thể: Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Đầu tư năm 2018, Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
Điều này đã đem lại nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng giúp Nhà nước có điều kiện hơn để đầu tư, quan tâm đến các mục tiêu ưu tiên như: giáo dục, y tế, xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ các vùng kinh tế còn khó khăn…
Ở nước ta, quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh là quyền hiến định, được ghi nhận tại Điều 32 – 33 Hiến pháp năm 2013. Điểm đặc biệt đáng chú ý là việc Hiến pháp năm 2013 đã mở rộng chủ thể thụ hưởng quyền sở hữu từ “công dân” sang “mọi người”. Điều này thể hiện sự tiến bộ trong tư duy của các nhà lập hiến Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập thế giới và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Có thể thấy Nhà nước ta luôn ưu đãi, khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho mọi người thực hiện quyền tự do kinh doanh. Thời gian qua, số lượng doanh nghiệp đã không ngừng tăng lên.
Đối với quyền được bảo đảm an sinh xã hội, Nhà nước Việt Nam luôn chủ trương đặt chính sách bảo đảm an sinh xã hội ngang tầm với chính sách kinh tế, phù hợp nguồn lực trong từng thời kỳ. Hệ thống chính sách an sinh xã hội được thực hiện theo 3 nhóm: nhóm chính sách phòng ngừa rủi ro, tập trung vào việc làm bền vững; nhóm chính sách giảm thiểu rủi ro; nhóm chính sách khắc phục rủi ro. Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc về xóa đói, giảm nghèo, phát triển con người cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đối với quyền có việc làm và phát triển thị trường lao động, chúng ta đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề này. Điển hình như: Luật Việc làm năm 2013, Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (sửa đổi năm 2018), Bộ luật Lao động năm 2019… cùng hàng loạt các văn bản hướng dẫn thi hành khác. Đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn 20 Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Đối với các quyền về văn hóa, đặc biệt đã chú trọng việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, khuyến khích, cổ vũ tự do trong sáng tạo nghệ thuật. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và chính sách về văn hóa từng bước được hoàn thiện, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, điển hình như: Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi năm 2009), Luật Quảng cáo năm 2012, Luật Xuất bản năm 2012, Luật Thư viện năm 2019…
Nhiều di sản văn hóa đã trở thành những sản phẩm văn hóa – du lịch hoàn chỉnh, vừa là động lực, vừa là mục tiêu cho sự phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch. Công tác sưu tầm, bảo trì và tôn tạo di tích luôn được các cơ quan chức năng quan tâm và đạt được nhiều kết quả thiết thực.
Như vậy, với hệ thống pháp luật đã được ban hành và thực tiễn quá trình triển khai thực hiện, có thể thấy rằng về cơ bản, các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa ở nước ta được bảo đảm thực hiện ngày một tốt hơn. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành thành viên của 7/9 công ước quốc tế chủ chốt về quyền con người, trong đó có Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa ICESR (Việt Nam tham gia ngày 24/9/1982).
Trà Khánh