Xác định công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) là một trong những nhiệm vụ quan trọng, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Long An tăng cường quản lý, thanh, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm ATTP, vì an toàn, sức khỏe của người dân.
Nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm
Thời gian qua, công tác bảo đảm ATTP nhận được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Ngành Nông nghiệp tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai công tác quản lý chất lượng, ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp. Công tác thông tin, tuyên truyền về chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP được chú trọng thực hiện.
Công tác thanh, kiểm tra, giám sát được tăng cường thực hiện nhằm bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Đinh Thị Phương Khanh cho biết: “Ngành Nông nghiệp tập trung chỉ đạo thực hiện công tác giám sát, hậu kiểm, thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ, lẻ; thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, xử lý nghiêm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tiêm thuốc an thần, bơm nước vào cơ thể gia súc trước khi giết mổ. Từ đó, ngăn chặn, hạn chế việc sản xuất, kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm không an toàn, góp phần bảo vệ sản xuất, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng và sức khỏe của người dân”.
Nhờ triển khai đồng bộ những giải pháp thiết thực, hiệu quả nên nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân về ATTP có chuyển biến tích cực. Sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng được quan tâm nhiều hơn. Trên địa bàn tỉnh bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu sạch và chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Lực lượng chức năng tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm
Chị Lưu Thị Kim Châu – chủ cơ sở sản xuất lạp xưởng tươi (thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước), chia sẻ: “Gia đình tôi có nghề truyền thống làm lạp xưởng tươi hơn 40 năm nay. Trong quá trình sản xuất, chúng tôi luôn chú trọng bảo đảm ATTP ngay từ khâu chọn nguyên liệu, chế biến, đóng gói và bảo quản sản phẩm. Đồng thời, chúng tôi nghiên cứu, thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP, điều kiện sản xuất để người tiêu dùng tin tưởng cơ sở của mình. Từ đó, việc sản xuất, kinh doanh cũng thuận lợi hơn”.
Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức cho các cơ sở ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022, đã tổ chức cho 14.082 hộ ký cam kết sản xuất sản phẩm an toàn. Lũy kế đến nay, tổ chức cho 132.874 hộ ký cam kết sản xuất sản phẩm an toàn, đạt trên 90% (vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 đề ra).
Tích cực triển khai tháng hành động
Nhận định ATTP là vấn đề hệ trọng, cấp bách, lâu dài, tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, chất lượng giống nòi dân tộc, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 21/10/2022 về “Tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới”. Để tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, người quản lý, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về ATTP triển khai Tháng hành động Vì ATTP năm 2023 với chủ đề: “Bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới”. Tháng hành động được triển khai từ ngày 15/4 đến 15/5 trên phạm vi toàn tỉnh.
Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về ATTP, Giám đốc Sở Y tế – Huỳnh Minh Phúc, tháng hành động nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, ATTP.
Bảo đảm an toàn thực phẩm là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm
Đồng thời, đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, ATTP. Tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, ATTP; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, ATTP; nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm;…
Điểm nhấn của Tháng hành động Vì ATTP năm 2023 là Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về ATTP triển khai các hình thức truyền thông lưu động (phương tiện có gắn băng rôn và phát loa) tuyên truyền trên các trục đường chính và các khu trung tâm đông dân cư.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra liên ngành về ATTP được đẩy mạnh nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP ở các cấp. Nội dung kiểm tra tập trung vào những vấn đề tồn tại trong quản lý; vi phạm về bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm. Thông qua các đợt kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những bất cập, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về ATTP; ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về ATTP, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng được lồng ghép thực hiện trong quá trình kiểm tra.
Người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức trong việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe
Nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo đảm ATTP trong thời gian tới, các cấp, các ngành chú trọng công tác thanh, kiểm tra, nhất là khâu hậu kiểm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm…; đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến các kiến thức về ATTP, các quy định của Luật ATTP đến các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, hạn chế nguy cơ ngộ độc do sử dụng thực phẩm không an toàn, thực phẩm kém chất lượng./.
Rau là món ăn không thể thiếu trong bữa cơm của gia đình tôi. Mỗi lần đi chợ, tôi phải đắn đo, lựa chọn rau rất kỹ mới dám mua vì sợ có thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng. Qua thông tin từ báo, đài, biết được hiện có nhiều loại thực phẩm kém chất lượng, rau bẩn được bày bán trên thị trường nên tôi chú trọng hơn đến việc lựa chọn thực phẩm sạch, rau sạch để nấu những bữa ăn ngon, bảo đảm sức khỏe cho cả nhà”.
Chị Nguyễn Thị Nương (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa)
Vẫn biết rằng thực phẩm bẩn là vấn nạn không thể ngày một ngày hai xử lý hết được nhưng tôi mong rằng, các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa công tác thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Có như vậy thì các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn mới biết “sợ” và người tiêu dùng mới an tâm khi quyền lợi được bảo vệ nhiều hơn”.
Anh Trần Văn Cường Lý (phường 7, TP.Tân An)
Huỳnh Hương