Bảo đảm an toàn cho các tuyến đê, kè mùa mưa, lũ
Trên địa bàn tỉnh có 2 tuyến đê gồm đê tả sông Hồng và đê tả sông Luộc với tổng chiều dài hơn 79,7km. Trên 2 tuyến đê hiện nay có các hệ thống cống qua đê, kè bảo vệ đê và công trình phụ trợ gồm: 14 cống qua đê, 15 kè lát mái, hộ bờ, kè mỏ hàn với tổng chiều dài hơn 26,9km; 3 cửa khẩu qua đê; 60 điếm canh đê; 21 điểm kho, bãi vật tư dự trữ phòng, chống lụt bão; 45 giếng giảm áp.
Kè Đức Hợp (Kim Động) được xử lý sự cố sạt lở bảo đảm phòng, chống lũ |
Để bảo đảm an toàn cho các tuyến đê, kè trong mùa mưa lũ, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các địa phương có tuyến đê xây dựng các phương án bảo đảm an toàn, đồng thời chủ động tu sửa công trình đê, kè, cống.
Những năm qua, mặc dù không có lũ lớn, song một số công trình kè, cống được xây dựng đã lâu nên xuống cấp. Năm 2022, trên các tuyến đê xảy ra 2 sự cố đê điều. Trong đó, sự cố về kè tại khu vực tại mặt cắt A62 của kè tương ứng K105+820 – K105+850 đê tả sông Hồng (đê ngoài Nghi Xuyên, huyện Khoái Châu) xuất hiện cung sạt chiều dài khoảng 30m; mái kè có hiện tượng lún, sạt trượt đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp kinh phí để xử lý cấp bách, thi công hoàn thành tháng 9/2022. Tương tự, tuyến kè Phú Hùng Cường (thành phố Hưng Yên), tại thời điểm các đợt xả lũ của hồ thủy điện từ ngày 11 đến 19/6/2022, nước sông lên cao và rút xuống cùng với mưa lớn ngày 23/6/2022, tuyến kè đã xuất hiện 2 cung sạt lở dựng đứng thành lấn sâu vào mái kè với tổng chiều dài các cung khoảng 20m. Sự cố trên đã được UBND tỉnh cấp kinh phí để xử lý. Ngoài ra, do ảnh hưởng của các đợt mưa lớn và dòng chảy có diễn biến phức tạp vào tháng 8/2022, tuyến kè Phú Hùng Cường tiếp tục xuất hiện 2 vị trí sạt lở mới. Vị trí sạt lở thứ nhất nằm sát thượng lưu mỏ hàn cứng số 08, có chiều dài cung sạt lở khoảng 100m, sạt lấn sâu vào mái kè khoảng 6m, đỉnh cung sạt cách đê bối khoảng 60m. Vị trí sạt lở thứ hai cách mỏ hàn cứng số 08 về phía hạ lưu khoảng 870m, cung sạt lở có chiều dài khoảng 80m, có đoạn sạt lở mất đỉnh kè và lấn sâu vào bãi sông khoảng 2m, đỉnh cung sạt cách đê bối khoảng 45m. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo và trình UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo kinh tế – kỹ thuật để xử lý 2 cung sạt nêu trên.
Năm 2022, do ảnh hưởng của các đợt mưa, lũ, kè Đồng Thiện trên tuyến đê tả sông Luộc có hiện tượng sụt lún và một số vị trí sạt mái tại khu vực từ C47 đến C51, với chiều dài khoảng 100m. Để bảo đảm an toàn cho tuyến đê, kè, hiện nay, các đơn vị chuyên môn đang thực hiện thủ tục để thi công xử lý, dự kiến thi công xong trước mùa mưa lũ năm nay.
Cùng với các hạng mục đê, kè cần sớm được tu bổ để bảo đảm phòng, chống mưa, lũ; trong công tác đầu tư, nâng cấp, tu bổ, duy tu bảo dưỡng đê điều, từ năm 2010 đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã thực hiện củng cố, nâng cấp hơn 74,68km đê tả sông Hồng và đê tả sông Luộc, hơn 7km kè với tổng kinh phí hơn 4 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, nguồn kinh phí cấp qua Bộ Nông nghiệp và PTNT để giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh thực hiện duy tu, tu bổ đê điều từ năm 2010 đến năm 2022 gồm: Duy tu bảo dưỡng đê điều với kinh phí gần 96 tỷ đồng để thực hiện đắp mở rộng mặt đê các đoạn nhỏ, hẹp, cong, gấp khúc với chiều dài hơn 2,1km, khoan phụt vữa 9km, tu sửa 116km kè, 9,5km đường hành lang. Tu bổ đê điều thường xuyên với kinh phí hơn 38 tỷ đồng, thực hiện đắp mở rộng mặt đê các đoạn nhỏ, hẹp, cong, gấp khúc chiều dài 1,3km, tu sửa 0,14km kè, 1,2km đường hành lang. Xử lý khẩn cấp, cấp bách sự cố đê, kè với kinh phí hơn 167,6 tỷ đồng.
Với nguồn vốn đầu tư của tỉnh và trung ương, nhiều công trình tu bổ đê, kè của tỉnh đã được hoàn thành và đưa vào vận hành, đáp ứng nhiệm vụ phòng, chống mưa, lũ. Do ảnh hưởng của đợt mưa lớn từ ngày 11 đến 14/8/2022, tuyến kè Lam Sơn (thành phố Hưng Yên) tại vị trí tương ứng K122+330, đê tả sông Hồng xuất hiện sự cố sập toàn bộ mái kè, đỉnh kè và cống thoát nước qua mái kè với chiều sâu khoảng 2,5m, tổng chiều dài sự cố 12m. Bằng nguồn kinh phí của tỉnh, các đơn vị thi công đã hoàn thành khắc phục sự cố trong tháng 4 vừa qua. Dự án xử lý khẩn cấp sạt lở kè Phi Liệt (Văn Giang) được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 734/QĐ-UBND ngày 12/3/2021 với tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng bằng nguồn vốn dự phòng ngân sách của Trung ương năm 2020. Dự án được thiết kế với chân kè hộ chân bằng đá hộc tạo mái kết hợp với thả rồng và cơ kè bằng đá hộc lát khan nhằm chống xói lở chân và ổn định tuyến kè, bảo đảm an toàn cho tuyến đê bối đê tả sông Hồng. Năm 2022, nhà thầu đã hoàn thiện công trình theo đúng tiến độ.
Với việc đầu tư kinh phí cho tu bổ đê, kè và các công trình trên đê, đồng thời, qua kết quả kiểm tra, đánh giá hệ thống đê điều của ngành chức năng, hiện nay, hệ thống đê, kè của tỉnh cơ bản bảo đảm an toàn trong phòng, chống lũ ứng với mực nước thiết kế đê tại Hà Nội là 13,1m, tại Hưng Yên là 8,30m và tại La Tiến là 6,30m. Tuy nhiên, trước diễn biến bất thường của thời tiết, cấp ủy và chính quyền các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Đào Ban