Tỉnh Sóc Trăng hiện có 36% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Tính đến ngày 13/12, tỉnh có gần 25 nghìn trường hợp mắc Covid-19, trong đó có khoảng 10% số ca dương tính là người DTTS, hiện còn hơn 3.000 ca F1, 4.500 ca F2 là người DTTS đang được theo dõi và cách ly theo quy định. Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng Lâm Sách cho biết, trong năm 2021, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó, tỉnh huy động các nguồn lực tập trung đầu tư và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS kết hợp thực hiện tốt các chính sách dân tộc, gắn với việc đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới. Hướng dẫn vận động đồng bào chủ động chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa các cây trồng, vật nuôi và tuân thủ những quy định, khuyến cáo của các ngành chức năng trong việc tổ chức sản xuất… từ đó sản xuất, đời sống của đồng bào DTTS tiếp tục được nâng lên, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập.
Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu chia sẻ: UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 111/KH-UBND về triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Quyết định số 1793/QĐ-UBND về hỗ trợ đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Ngoài ra, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp; Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ với mục đích góp phần hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và thiếu hụt lao động. Đồng thời, hỗ trợ người sử dụng lao động giảm chi phí, nỗ lực thích ứng với trạng thái bình thường mới, duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 2.464 đơn vị trên địa bàn với kinh phí thực hiện hơn 40 tỷ đồng; hỗ trợ 92.614 người lao động với kinh phí thực hiện hơn 152 tỷ đồng; trong đó có 78.976 lao động tự do, với kinh phí thực hiện 118,464 tỷ đồng; hỗ trợ 2,92 triệu ki-lô-gam gạo cho 194.739 người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội gặp khó khăn do dịch Covid-19; hỗ trợ tiền ăn cho 41.944 người cách ly y tế; trong đó, cách ly tập trung là 16.026 người, cách ly tại nhà là 25.918 người.
Chị Lý Thị Linh dân tộc Khmer, ngụ ấp Trà Lây 2, xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú cho biết: “Gia đình tôi không có ruộng cho nên công việc chính của vợ chồng tôi là phụ hồ, nhưng do dịch Covid-19, phải nghỉ ở nhà một thời gian dài. Cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Đang cơn túng khó, gia đình tôi rất vui khi được chính quyền mời lên nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, gia đình tôi và các hộ dân khác vượt qua khó khăn trước mắt, ổn định cuộc sống”. Còn ông Quách Hiếu dân tộc Hoa ở thị xã Vĩnh Châu thuộc hộ nghèo, mưu sinh bằng nghề lao động tự do tại TP Hồ Chí Minh. Khi dịch Covid-19 bùng phát, ông Hiếu không còn việc làm, phải đưa gia đình trở về quê tránh dịch. Gia đình ông đã được chính quyền địa phương bố trí nơi cách ly theo dõi sức khỏe và các tổ chức đoàn thể địa phương thăm hỏi, hỗ trợ lương thực, đồ dùng thiết yếu. Ông Hiếu xúc động chia sẻ: “Tôi còn mang mặc cảm có lỗi là tự ý trở về quê từ vùng có dịch Covid-19, nhưng Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của tỉnh và chính quyền địa phương đã giúp đỡ, trợ cấp gia đình tôi khắc phục khó khăn. Quả là không nơi nào bằng quê hương mình”.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn đánh giá, trong năm 2021, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc được các ngành, các cấp tích cực phối hợp triển khai hiệu quả đã tạo điều kiện, hỗ trợ cho người dân đầu tư, phát triển sản xuất. Việc bảo đảm an sinh cho đồng bào DTTS chống dịch Covid-19 được ưu tiên thực hiện ở các địa phương. Qua đó, đồng bào DTTS yên tâm lao động sản xuất, tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động; đặc biệt là chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của cơ quan chức năng; góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.