Thời gian qua, tình hình tấn công mạng không ngừng gia tăng, phức tạp, khó lường và có xu hướng nhắm vào các hệ thống thông tin quan trọng của các lĩnh vực trọng yếu như năng lượng, ngân hàng, chứng khoán, viễn thông… Trong năm 2024, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an đã tiếp nhận, xử lý 74.000 cảnh báo tấn công mạng, 83 chiến dịch tấn công mạng có chủ đích (APT) tại Việt Nam, thu thập và phân tích 125 mẫu thuộc 64 dòng mã độc khác nhau của tin tặc.
Chia sẻ tại sự kiện tổng kết diễn tập “Ứng phó khắc phục sự cố tấn công APT vào hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia” diễn ra chiều 17.12 tại Hà Nội, trung tướng Nguyễn Minh Chính – Cục trưởng A05 kiêm Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội An ninh mạng quốc gia nhận định việc bảo đảm an ninh không gian mạng Việt Nam là sứ mạng cao cả của các tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực an ninh mạng.
“Với hàng chục triệu cảnh báo, chỉ dấu tấn công mạng diễn ra vào hệ thống thông tin của nước ta hằng năm, chúng ta đã thấy rõ đây không phải là cuộc chơi mà là cuộc chiến. Một cuộc chiến toàn cầu, sẽ không có nền an ninh đúng nghĩa nếu như không gian mạng quốc gia liên tục bị tấn công mà không thể ứng cứu”, người đứng đầu Cục A05 nhấn mạnh. Ông cũng đánh giá trên môi trường không gian mạng không có khái niệm thời chiến hay thời bình, bởi vì những người làm công tác bảo đảm an ninh mạng vốn đã là những chiến sĩ thầm lặng.
Theo đánh giá chung, năng lực phòng, chống và ứng phó với tấn công mạng của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Khi có sự cố tấn công mạng xảy ra, quy trình xử lý, ứng phó nhanh chóng để giảm thiểu tối đa thiệt hại còn gặp lúng túng, khó khăn, dẫn đến nhiều trường hợp các đơn vị, tổ chức phải chịu thiệt hại lớn từ các cuộc tấn công mạng và để lại những hệ lụy, rủi ro tiềm ẩn tiếp tục bị tấn công trong tương lai.
Những nguyên nhân khiến phòng thủ an ninh mạng còn yếu
Phân tích của Cục A05 chỉ ra thực trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có 4 yếu tố chính: Nhận thức chưa đầy đủ về hiểm họa khôn lường của các hình thái tấn công mạng tinh vi, phức tạp và liên tục đổi mới phương thức; Đầu tư bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin chưa tương xứng với hoạt động khai thác, vận hành và tầm quan trọng của lĩnh vực; Chưa xây dựng được quy trình phòng ngừa và ứng cứu sự cố đủ nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả; Chưa hình thành được mạng lưới ứng phó với sự tham gia của đầy đủ các thành phần nòng cốt giúp phòng thủ đa lớp và ứng phó khắc phục sự cố toàn diện.
Do đó, chương trình diễn tập an ninh mạng năm 2024 được tổ chức nhằm góp phần nâng cao nhận thức bảo đảm an ninh mạng cho các bên tham gia và là cơ hội để trau dồi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng an ninh mạng, kỹ năng triển khai quy trình đồng bộ ứng phó khắc phục sự cố. Kịch bản được xây dựng dựa trên tư liệu từ các vụ tấn công có thật, đã xảy ra trong thời gian qua.
Diễn tập diễn ra trong 6 tiếng liên tục, chia thành nhiều pha khác nhau, có sự tham gia của 41 đơn vị thuộc cả khối cơ quan nhà nước, lực lượng công an, đơn vị chủ quản các hệ thống thông tin trọng yếu tới ngân hàng, doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực an ninh mạng.
Trung tướng Nguyễn Minh Chính nói: “Diễn tập an ninh mạng lần này không chỉ giúp các đội trải nghiệm và rèn luyện kỹ năng phát hiện, đối phó với các mối đe dọa mạng một cách hiệu quả, mà còn tăng cường nhận thức về các rủi ro bảo mật, tạo cơ hội để thử nghiệm các kịch bản phản ứng và khắc phục sự cố khác nhau, tạo ra cơ chế hiệp đồng chiến đấu, cùng nhau chia sẻ thông tin, phối hợp chặt chẽ”.
Nguồn: https://thanhnien.vn/bao-dam-an-ninh-mang-la-cuoc-chien-khong-phai-cuoc-choi-185241217181749974.htm